Các dự án cấp điện nông thôn: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Năm 2016, ngân sách nhà nước cấp cho các dự án điện nông thôn mới đạt khoảng 110 tỷ đồng. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, các dự án này cần khoảng 2.000 tỷ đồng. Vấn đề cấp bách hiện nay là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Theo Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao làm chủ đầu tư 23 dự án cấp điện nông thôn, với tổng mức đầu tư hơn 11.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối đối ứng của EVN hơn 1.700 tỷ đồng. 

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là chủ đầu tư 14 dự án thành phần. Trong năm 2016, theo kế hoạch, EVNSPC được bố trí vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho 3 dự án, gồm Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang (vốn dư dự án cấp điện đồng bào Khmer), mỗi dự án khoảng 20 tỷ đồng. Ngay sau khi được cấp vốn, EVNSPC đã triển khai giai đoạn 1 của các dự án theo phương pháp cuốn chiếu, thi công hoàn thiện đến đâu người dân sẽ có điện sử dụng ngay đến đó. 

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cũng vừa được cấp 30 tỷ đồng triển khai Dự án cấp điện lưới quốc gia cho tỉnh Khánh Hòa. Theo Phó Tổng giám đốc EVNCPC Nguyễn Thành, EVNCPC được giao quản lý 5 dự án thành phần tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Gia lai và Khánh Hòa triển khai trong 5 năm (2016 – 2020). Vì vậy, vốn NSNN cấp cho các dự án đến đâu, EVNCPC và các đơn vị sẽ kịp thời cân đối nguồn vốn đối ứng, kịp thời triển khai các dự án.

Dự án cấp điện lưới quốc gia cho tỉnh Lạng Sơn cũng vừa được cấp 20 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước. Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và đơn vị đang cân đối vốn đối ứng để chuẩn bị khởi công từ nay đến cuối năm 2016, hoàn thành kế hoạch được giao.

Cần sớm thu xếp vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện nông thôn 

Điểm đặc biệt của các dự án thuộc Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 là người dân không phải chịu bất kỳ chi phí nào, nhưng vẫn được đưa điện đến từng hộ gia đình. Vì vậy, người dân các vùng được hưởng lợi từ dự án rất mong đợi sớm được sử dụng điện.  

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lúc này là tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Trung bình mỗi năm, các dự án cấp điện nông thôn cần khoảng 2.000 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhưng trong năm 2016 số vốn được giải ngân mới chỉ là 110 tỷ đồng. Để Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo được triển khai đáp ứng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm thu xếp vốn cấp cho các dự án này.

Ngoài ra, vốn NSNN phân bổ hàng năm cần phải giải ngân hết trong năm kế hoạch, trong khi đó, thủ tục chuẩn bị đầu tư của dự án phải được Bộ Công Thương phê duyệt. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, các đơn vị cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương cần ủy quyền cho các chủ đầu tư được phê duyệt các bước tiếp theo sau báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời, rất cần UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp, tạo điều kiện trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao đất để các đơn vị điện lực triển khai các dự án, đảm bảo tiến độ đề ra. 

Tổng mức đầu tư 23 dự án cấp điện nông thôn do EVN làm chủ đầu tư (theo QĐ 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ):

 

Tổng nguồn vốn

(tỷ đồng)

Vốn ngân sách nhà nước (tỷ đồng)

Vốn đối ứng (tỷ đồng)

EVNNPC

1.567,0

1.332,0

235,1

EVNCPC

2.157,2

1.833,6

323,6

EVNSPC

8.041,5

6.835,2

1.206,2

Tổng EVN

11.765,7

10.000,8

1.764,9

(Nguồn: Ban Chỉ đạo chương trình 2081 EVN)


  • 18/11/2016 07:59
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8220