Các đơn vị thuộc EVN: Tín hiệu vui khi thị trường tài chính thuận lợi

Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (công bố tháng 7/2014) cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát giảm, thị trường ngoại hối ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi để các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tìm kiếm đối tác tài chính lành mạnh để thu xếp vốn đầu tư cho các dự án điện.

Genco 1 tranh thủ nguồn vốn trong nước

Trước đó, từ đầu năm 2014, thị trường tài chính trong nước và quốc tế đã được nhiều chuyên gia nhận định đang trên đà phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là nền tảng để phát triển thị trường tài chính trong những năm tiếp theo, phục vụ huy động vốn cho đầu tư phát triển và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Là đơn vị mới được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2013 với nhiều khó khăn về tài chính, các tổng công ty phát điện  đã “tranh thủ” cơ hội này, tích cực thu xếp vốn cho các dự án điện.

Theo ông Nguyễn Khắc Sơn – Tổng giám đốc EVN GENCO 1, hiện nay,  đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục vay 850 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải; đồng thời làm việc với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để vay 5.000 tỷ đồng cho dự án Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải (trong trường hợp Bộ Tài chính không bảo lãnh khoản vay của dự án).

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (EVNGENCO 3) vừa ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản - Ảnh Ngọc Tuấn

Bên cạnh đó, EVN GENCO 1 còn tích cực tìm kiếm khoản vay 4.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Ông Nguyễn Khắc Sơn khẳng định: “Tính đến thời điểm hiện tại, nhìn chung, công tác thu xếp vốn cho các dự án thành phần thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải là khả thi”.

EVN NPT tập trung huy động nguồn vốn vay nước ngoài

Nếu như năm 2011 - 2013 được xem là giai đoạn khó khăn nhất đối với công tác thu xếp vốn của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước chưa thoát khỏi khủng hoảng, thì từ cuối năm 2013 đến nay, khó khăn này đã từng bước được cải thiện. Xác định việc thu xếp vốn vay nước ngoài là yếu tố quyết định mục tiêu đầu tư, EVN NPT đã tăng cường mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)…

Ông Vũ Ngọc Minh – Tổng giám đốc EVN NPT cho biết: “Với các khoản vay ODA từ các tổ chức tín dụng quốc tế và các khoản vay thương mại từ các ngân hàng trong nước (Vietinbank, VCB, BIDV, MB…) thời gian qua, EVN NPT đã cơ bản thu xếp đủ vốn cho các dự án đã và đang triển khai, các dự án sẽ khởi công cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Từ đó, nhiều công trình lưới điện quan trọng được đưa vào vận hành, tăng cường năng lực truyền tải và giải quyết tình trạng quá tải tại các khu vực”.

Tính đến hết tháng 8/2014, tổng vốn đầu tư xây dựng của EVN NPT đạt 9.297 tỷ đồng. Con số này tính chung cả năm 2011 là 6.080 tỷ đồng; năm 2012 là 9.115 tỷ đồng và năm 2013 là 12.368 tỷ đồng.

Mục tiêu trong năm 2014, tổng số vốn đầu tư xây dựng của EVN NPT là 14.285 tỷ đồng. Theo ông Vũ Ngọc Minh, thời gian tới, EVN NPT sẽ tập trung thu xếp các nguồn vốn vay ODA, vốn vay thương mại nước ngoài được ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và trả vốn để nâng cao hiệu quả trong đầu tư, giảm giá thành truyền tải điện; đa dạng hóa nguồn vốn vay thương mại, tín dụng người mua, tín dụng người bán, thuê tài chính.

Song song với việc thu xếp vốn cho các dự án bằng nguồn vốn vay thương mại trong nước, EVN NPT sẽ tiếp tục thực hiện hình thức thu xếp vốn qua kênh cho thuê tài chính, trong đó ưu tiên thực hiện thuê các máy biến áp nhằm rút ngắn thời gian cung cấp máy biến áp tạo điều kiện sớm hoàn thành việc nâng công suất các trạm theo kế hoạch EVN phê duyệt. Chủ động chuẩn bị và hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng của các dự án được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII, kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện truyền tải năm tới và 4 năm tiếp theo nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu xếp nguồn vốn ODA cho các dự án.

Năm 2014, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng của EVN dự kiến là 123.564 tỷ đồng, trong đó khả năng huy động được là 112.087 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Tối ưu hóa chi phí và Công tác tài chính năm 2014 (tổ chức tháng 6/2014), lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị thành viên cần tích cực thu xếp vốn, phục vụ công tác đầu tư xây dựng cho các công trình, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


  • 03/11/2014 04:57
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2597


Gửi nhận xét