Các công ty tư vấn xây dựng điện: Tìm cơ hội trong gian khó

Thời gian qua, do suy thoái kinh tế, các công ty tư vấn điện thuộc EVN đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách. Tuy nhiên, ngay trong gian khó lại dần dần mở ra những cơ hội mới.

Khó khăn, thách thức còn ở phía trước

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1, năm 2012, tổng doanh thu của Công ty đạt 481 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 32 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ khó đòi đã đạt mức kỷ lục là 500 tỷ đồng. Có những dự án, chủ đầu tư nợ cả trăm tỷ đồng và mỗi năm chi trả rất nhỏ giọt. Do vậy, hiện tại quỹ lương của Công ty cũng rất eo hẹp. Thời gian gần đây, Công ty phải nợ lương người lao động. Một số cán bộ có năng lực  cũng đã xin chuyển công tác. Tình trạng chảy máu chất xám diễn ra trước mắt, nhưng Công ty cũng chưa có cách nào ngăn chặn được, đành “lực bất tòng tâm”.

Tình hình tài chính của các công ty tư vấn điện khác cũng không sáng sủa hơn. Hầu hết họ đều phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ: Công việc tư vấn giảm sút, các chủ đầu tư nợ nhiều và khó đòi. Số vay nợ các tổ chức tín dụng ngày càng tăng và lãi suất ngân hàng phát sinh hằng năm rất cao.

Trạm biến áp GIS 220/110 kV Bình Tân của EVN HCMC do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 làm tư vấn thiết kế. Ảnh: NT


Đoàn kết để nắm bắt cơ hội

Ông Nguyễn Tài Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 cho biết, ngoài khó khăn về tài chính ra, các công ty tư vấn điện thuộc EVN phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp trong nước như các đơn vị tư vấn thuộc Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Vinacomin… Bên cạnh đó, còn phải chạy đua tranh giành thị trường với các công ty tư vấn nước ngoài có tiềm lực rất mạnh. Trong cuộc đua với nước ngoài, các công ty tư vấn Việt Nam nói chung và  ngành Điện nói riêng lại bộc lộ “tử huyệt” cố hữu là thiếu sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ. Đơn cử, khi tham gia đấu thầu một dự án, cả mấy công ty chào giá, nhưng có một công ty tư vấn đơn phương chào và giảm giá đến 50% với mong muốn thắng thầu bằng mọi giá miễn sao CBCNV có việc làm.

Theo ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN, cơ hội tăng doanh thu, tăng lợi nhuận cho khối tư vấn là khả thi. Dự kiến cả năm 2013, tổng vốn đầu tư toàn Ngành sẽ đạt 106 nghìn tỷ đồng. Chi phí cho tư vấn sẽ chiếm đến 5 nghìn tỷ đồng. Do vậy, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận cho các công ty tư vấn trong ngành Điện là rất lớn. Vấn đề là các đơn vị tư vấn trong ngành Điện cần phải thống nhất và đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động. Các công ty tư vấn cũng cần phải xây dựng được cơ chế rõ ràng về đãi ngộ, khuyến khích  người tài, giỏi, người có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho họ gắn bó và cống hiến hết mình cho sự thành công của công ty, tránh hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Thời gian tới, các công ty tư vấn cần tiếp tục phát triển thị trường ngoài ngành như,  tham gia các dự án tại Lào, Campuchia, tham gia các công trình thủy lợi, kè biển, kè sông…. Theo Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, một trong những hướng giải quyết việc làm là không chỉ phát triển mạnh lĩnh vực tư vấn, thiết kế thủy điện mà cần phải mở rộng ngành nghề, việc làm, thu nhập bằng cách tham gia các dự án lưới điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo.


 


  • 25/06/2013 03:01
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4190


Gửi nhận xét