CHN Energy khởi động “công viên năng lượng mặt trời nổi” ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc

Theo tuyên bố trên trang web của CHN Energy ngày 13/11, công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đã bắt đầu sản xuất điện tại một “công viên năng lượng mặt trời nổi” ngoài khơi công suất 1 gigawatt (GW) - được kết nối với lưới điện nhà nước.

Dự án điện mặt trời nổi ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc này có thể tạo ra 1,78 tỷ kWh điện mỗi năm. Ảnh: Energy Source & Distribution

Được phát triển bởi công ty con Guohua Energy Investment Co, nằm cách bờ biển thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông 8 km, dự án có 2.934 tấm quang điện được cố định bằng công nghệ đóng cọc giàn thép quy mô lớn, mang tính ứng dụng chuyên biệt cho các công trình lắp đặt ngoài khơi. Đây là dự án đầu tiên trong ngành quang điện của Trung Quốc triển khai đường dây truyền tải điện xa bờ và ngoài khơi 66kV, mang lại khả năng truyền tải lớn hơn với chi phí thấp hơn.

Dự án điện mặt trời nổi ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc này có thể tạo ra 1,78 tỷ kWh mỗi năm - con số đó có thể cung cấp điện cho 2,6 triệu cư dân thành thị. Dự kiến, dự án sẽ giúp nước này tiết kiệm được 503.800 tấn than tiêu chuẩn và cắt giảm lượng khí thải CO2 lên tới 1,34 triệu tấn.

Trước đó, vào tháng 5, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một nhà máy điện mặt trời ngoài khơi có công suất lớn hơn - 2GW gần bờ biển phía đông tỉnh Giang Tô, tờ Global Times đưa tin. Nhà máy này nằm trong khu vực được chỉ định xả nước ấm từ nhà máy điện hạt nhân Tianwan (Tianwan Nuclear Power Plant) để làm mát lò phản ứng.

Điện mặt trời nổi là một giải pháp lắp đặt các tấm quang điện trên mặt nước, thường được sử dụng ở những nơi không còn nhiều diện tích đất trống nhưng vẫn cần nguồn cung điện lớn.


  • 20/11/2024 10:06
  • Nguyệt Hà (Reuters, Energy Source & Distribution)
  • 809