Buồn, vui cùng thủy điện

Tôi nhớ mãi hôm khánh thành Thủy điện Sơn La, khi Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN - tuyên bố: "Với tổng công suất 2.400MW, Thủy điện Sơn La chiếm 1/10 tổng công suất cả nước", mấy cô gái dân tộc Thái đứng cạnh tôi ồ lên sửng sốt: "Nhiều thế cơ à, từ nay không lo thiếu điện nữa rồi, bõ công mình chuyển nhà nhường đất".

Thủy điện góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Thủy điện không có lỗi ...


Như vui lây với các cô, anh bạn đồng nghiệp của tôi nhanh nhẩu giải thích: Không chỉ TĐ Sơn La, hàng loạt nhà máy thủy điện lớn khác như Hòa Bình, Tuyên Quang, Trị An, Yaly... cũng góp phần rất quan trọng trong việc cung ứng điện, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần trị thủy, cắt lũ chống hạn, giúp bà con vùng hạ du phát triển kinh tế tốt hơn. Ngoài ra còn làm giảm giá thành sản xuất điện do giá thủy điện rẻ hơn nhiều so với các nguồn điện khác. (năm 2012 EVN đã có lãi là nhờ nguồn nước dồi dào nên đã huy động tối đa nguồn thủy điện đang chiếm gần 40% tổng công suất nguồn của hệ thống).

Nhìn vẻ thán phục của các cô, anh bạn nhấn mạnh: phát triển thủy điện là cần thiết, nhất là khi các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ...) đang cạn dần. Tôi nói nhỏ: Nếu EVN thi tuyên truyền viên cho thủy điện, chắc cậu sẽ đạt giải đấy. Bỗng nhiên, anh bạn xuống giọng: Nói thế thôi, không chỉ có vinh quang đâu, năm 2012 TĐ vẫn còn nhiều cay đắng lắm, nhất là thủy điện nhỏ.

Đúng là năm qua, những sự cố xảy ra từ TĐ Sông Tranh 2, Đak Rông 3, Đăk Mek 3... đã tốn không ít giấy mực cho báo chí và gây lo lắng hoang mang cho người dân. Những bất ổn về chất lượng các công trình thủy điện, những công bố về tình trạng mất rừng, suy thoái đa dạng sinh học, mất đất sản xuất làm thay đổi chế độ dòng chảy của các dòng sông đã khiến nhiều người lo ngại. Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có gần 20.000ha rừng (trong đó có trên 7.500ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ) chuyển đổi sang xây dựng công trình thủy điện với  mức đánh đổi 16ha rừng để có 1MW thủy điện vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có 735 ha rừng (chiếm 3,7%) được trồng lại. Rõ ràng, nếu chủ đầu tư chỉ lo thu lợi nhuận mà không quan tâm lợi ích của người dân thì hệ lụy từ thuỷ điện sẽ không phải nhỏ. Thậm chí, đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc tiếp tục xây dựng khai thác các công trình thủy điện.

... Mà từ khâu quản lý

Về vấn đề này, GS -TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam khẳng định: thủy điện đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển thủy điện ở nước ta còn nhiều bất cập. Đó là, quy hoạch thủy điện riêng rẽ, áp đặt, không xét đến việc khai thác tổng hợp nguồn nước, bỏ qua tác động của việc thay đổi dòng chảy đến môi trường và dân sinh ở hạ du, thiếu năng lực và thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện. Ngoài ra, trách nhiệm của các bộ còn chồng chéo, vừa sơ hở, vừa khép kín, thiếu sự kiểm tra khách quan. Các địa phương được ủy quyền, nhưng thiếu am hiểu về chuyên môn nên thường dễ dãi trong phê duyệt dự án. Để khắc phục, kế hoạch xây dựng thủy điện cần được xem xét lại một cách thận trọng, có sự tham gia thực sự của các bên liên quan từ khâu quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến vận hành công trình.

Là người đã hơn 40 năm gắn bó với ngành Điện và có mặt trên hầu hết các công trình thủy điện lớn, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, thủy điện không có lỗi, chỉ có sự quản lý yếu kém có thể gây bất ổn mà thôi. Vấn đề đặt ra là con người phải làm gì để bảo đảm an toàn công trình thủy điện, loại bỏ những nguy cơ gây mất an toàn vùng hạ du, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân, giải quyết tổng thể lợi ích của 3 nhà: Đầu tư, Nhà nước và người dân.

Không phải vô lý mà sau bao sự cố, Ngân hàng thế giới vẫn cam kết tài trợ vốn cho công trình thủy điện Trung Sơn (260MW) khởi công vào 24/11 tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hơn nữa, Quy hoạch điện VII vẫn chủ trương đến năm 2020, tổng công suất thủy điện vẫn đạt 17.400 MW/75.000MW, chiếm 23,1% tổng nguồn điện năng quốc gia. Rõ ràng, nếu làm tốt, thủy điện sẽ vẫn luôn là nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và gìn giữ môi trường bền vững.
 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Các công trình thủy điện luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, cắt lũ và chống hạn cho hạ du, góp phần  điều hòa khí hậu vùng và tiểu vùng, đảm bảo an ninh năng lượng… Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn công trình thủy điện trong đó có đập cần phải đặc biệt coi trọng, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

 


  • 01/02/2013 05:03
  • Theo Báo Công Thương
  • 3390


Gửi nhận xét