Bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ làm thủy điện

Nếu như công trình Thủy điện Hòa Bình in đậm dấu ấn của các chuyên gia, kỹ sư Liên Xô thì công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu lại thể hiện rõ tinh thần, trí tuệ và sức mạnh của con người Việt Nam khi đã chủ động được từ khảo sát, tư vấn, thiết kế cho đến thi công. Để có thành quả đó, các kỹ sư, công nhân Việt Nam không ngừng học hỏi để làm chủ công nghệ.

Thủy điện Hòa Bình: Từ học hỏi, kế thừa… 

Sau 15 năm thi công liên tục, ngày 20/12/1994, đất nước phấn khởi chào mừng sự kiện khánh thành công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, đánh dấu kết quả của 15 năm lao động không ngừng nghỉ vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê – Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã từng đảm nhận vai trò Trưởng ban QLDA Thủy điện Sông Đà nhớ lại: Khả năng và tiềm lực của Việt Nam lúc đó rất hạn chế, ước mơ chinh phục sông Đà để chống lũ cho đồng bằng Bắc bộ sẽ khó trở thành hiện thực nếu không có sự giúp đỡ to lớn, chí tình của Liên Xô. Ông cho biết: “Từ công trình Thủy điện Hòa Bình, đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam đã học hỏi và kế thừa được kỹ thuật cao của các chuyên gia Liên Xô. Có thể nói, Thủy điện Hòa Bình là một trong những biểu tượng cao đẹp nhất của tình hữu nghị Việt – Xô”, 

Chia sẻ về thời kỳ xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, ông Bùi Thức Khiết, nguyên  Phó Ban Quản lý dự án, Giám đốc đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cho biết: “Hồi đầu, những kỹ sư, công nhân Liên Xô sang làm trực tiếp mọi việc, từ cung cấp điện cho công trường, nổ mìn, dọn đá đến việc tự lái máy xúc, máy ủi, sửa chữa ô-tô... Sau đó, các chuyên gia địa chất, địa hình, thủy năng, khoan phun giỏi và giàu kinh nghiệm của Nga đã đào tạo đội kỹ sư, công nhân của Việt Nam tham gia để tiếp quản Nhà máy”.

Ông Nguyễn Văn Đức, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí - Trường Trung học Công nghiệp Nam Hà (nay là Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định) đã xung phong lên Thủy điện Hòa Bình công tác từ năm 1983-1987, nay là giảng viên Trường Đại học Điện lực chia sẻ: “Hồi đó, tôi là kỹ sư cơ khí bậc cao của Việt Nam, song, cũng chỉ biết công nghệ cắt bằng axetilen (cắt bằng đất đèn), nhưng các kỹ sư Liên Xô đã có thể cắt hơi bằng xăng, rất hiệu quả. Sau này, họ đã truyền đạt lại cho chúng tôi kỹ thuật này. Họ làm việc với tinh thần rất cao, rất trách nhiệm mà chưa bao giờ than vãn về sự vất vả”.

Nhà máy Thủy điện Sơn La là biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ Việt
 

Thủy điện Sơn La: Hội tụ sức mạnh, trí tuệ Việt

Nếu như Thủy điện Hòa Bình công suất 1.920 MW, phải xây dựng trong 15 năm, lúc cao điểm có 3,5 vạn người, trong đó có tới 2.500 chuyên gia nước ngoài làm việc trực tiếp trên công trường giúp Việt Nam từ khảo sát, thiết kế, đến thi công… thì khi xây dựng Thủy điện Sơn La, công suất 2.400 MW, thời gian thi công rút ngắn còn 7 năm.  Lúc cao điểm nhất cũng chỉ có 1 vạn lao động Việt Nam và 220 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài trên công trường Thủy điện Sơn La và điều đặc biệt là họ làm việc dưới sự chỉ đạo của người Việt. Ngày khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê không giấu niềm tự hào, khẳng định: “Chúng ta làm chủ từ khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành Nhà máy sau khi hoàn thành”. 

Ông cũng cho biết thêm: Sau Thủy điện Hòa Bình, đội ngũ những người làm thủy điện Việt Nam đã được tôi luyện qua các công trình thủy điện lớn khác như Trị An, Ialy, Hàm Thuận – Đa Mi, Thác Mơ… Đến công trình thủy điện Sơn La, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ yếu tố để có thể chủ động xây dựng được công trình thế kỷ mang đậm dấu ấn người Việt.

Tổ trưởng tổ chuyên gia của Công trình Thủy điện Sơn La - Bùi Thức Khiết, Nguyên Giám đốc NMTĐ Hòa Bình đánh giá: Đây là một thành tựu tổng hợp, là kết quả của cả một tập thể. Cùng với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để dự án "về đích" sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, còn phải kể đến là một thiết kế tốt, với Ban quản lý có kinh nghiệm và đội ngũ công nhân kỹ thuật xây lắp tay nghề cao, công tác thí nghiệm hiệu chỉnh tốt. Đặc biệt đội ngũ vận hành Nhà máy (Công ty Thủy điện Sơn La) được chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khi xây dựng công trình và được đưa đi đào tạo bài bản ở Thủy điện Hòa Bình, Ialy, Tuyên Quang…

Có thể khẳng định sau công trình Thủy điện Sơn La, đội ngũ những người làm thủy điện có bước trưởng thành vượt bậc để từ đây có thể dễ dàng thực hiện các công trình thủy điện khác như Lai Châu rồi Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng… và thậm chí làm các dự án thủy điện ở nước ngoài.

Những kỳ tích phi thường của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã được khẳng định. Họ đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, thiết bị, thể hiện năng lực kỹ thuật chuyên môn cao trong lĩnh vực xây dựng thủy điện. Từ thành công của công trình Thủy điện Sơn La, cho thấy bản lĩnh, trí tuệ của người lao động, chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam. Các lực lượng có mặt trên công trường đã tiếp nối “bản trường ca” chinh phục sông Đà, đưa công trình trở thành bản anh hùng ca trong lao động dựng xây đất nước. Đến nay, sau gần 6 năm kể từ khi khánh thành công trình, Thủy điện Sơn La đã đóng góp hàng chục tỷ kWh điện cho phát triển kinh tế đất nước. 
 


  • 22/04/2018 11:34
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 12116