Bóng đèn nước: Thắp ánh sáng cho người nghèo

Chỉ với một chiếc chai nhựa, nước và chút nước tẩy, Alfredo Moser- một người thợ cơ khí ở Barazil đã tìm ra cách để tạo ra nguồn sáng tương đương bóng đèn 40-60 watts. Sáng chế của ông được gọi tên bóng đèn nước (water-bulb), hay còn gọi đèn Moser.

Ở rất nhiều nơi trên thế giới, điện vẫn là nguồn năng lượng xa xỉ đối với người nghèo. Tại những khu vực nông thôn, hay khu ổ chuột trong những thành phố lớn, hàng triệu gia đình vẫn phải tận dụng từng chút ánh sáng mặt trời được hứng từ những khe cửa sổ nhỏ.

Ý tưởng về chiếc đèn nước đến với Moser từ năm 2002, trong khoảng thời gian mất điện liên tiếp xảy ra tại Uberaba, Brazil – nơi Moser sinh sống. Người thợ cơ khí trăn trở tìm cách để thắp sáng xưởng làm việc của ông.

Theo Moser, ông không cần đến bất kỳ bản vẽ thiết kế nào cho chiếc đèn của mình. Chỉ với nước, nước tẩy đựng trong một chiếc bình nhựa tái sử dụng, Alfredo Moser đã sáng tạo ra nguồn sáng tương đương độ sáng của bóng đèn 40 – 60 Watts. Cơ chế hoạt động của chiếc đèn nước rất đơn giản, chai đựng đầy nước được lắp đặt trên nóc nhà, một phần tiếp xúc trực tiếp với mặt trời, một phần tiếp xúc với không gian cần chiếu sáng. Chai nước như một thấu kính hội tụ tia sáng mặt trời, phản chiếu ánh sáng vào trong nhà.

“Việc đổ thêm chất tẩy sẽ giúp ngăn chặn việc nước bị chuyển xanh đục khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Nước trong chai càng sạch sẽ cho hiệu quả phát sáng càng cao”, Moser cho hay.

Bóng đèn nước chiếu sáng một cách hiệu quả

Moser cũng giúp những người hàng xóm và các siêu thị tại địa phương lắp đặt bóng đèn nước. Bóng đèn của Moser được chế tạo một cách dễ dàng, hiệu quả chiếu sáng cao, giúp tiết kiệm điện năng.

Ông Illac Angelo Diaz, Giám đốc điều hành của My Shelter Foundation tại Philippines đánh giá rất cao sáng kiến của Moser: “Bóng đèn nước sử dụng năng lượng mặt trời đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người nghèo”.

Tại Philippines – nơi 40% người dân có mức sống thấp hơn 2 đô-la Mỹ/ngày, bóng đèn của Moser đã được chào đón tại 140.000 hộ gia đình. Sáng kiến này đã được áp dụng tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, từ Ấn Độ tới Bangladesh, Argentina… 

Không chỉ thắp sáng trong nhà, bóng đèn nước còn được lắp đặt tại những trang trại trồng rau trong nhà, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Những chiếc đèn nước có chi phí đầu tư rất thấp, tuổi thọ khá cao, và cách lắp đặt đơn giản, do vậy, các hộ dân đều có thể tự thực hiện và tiếp tục nhân rộng tại các địa phương.

  • Một bóng đèn sợt đốt 50 watts nếu phát sáng 14 giờ/ngày, trong 1 năm sẽ tạo ra gần 200 kg khí CO2. Trong khi đó, bóng đèn nước của Moser không tạo ra khí thải cácbon.
  • Việc tận dụng vỏ chai nước bỏ đi để làm đèn giúp giảm lượng rác thải, tiết kiệm chi phí thu hồi, xử lý  tái chế các chai nhựa.
  • Sử dụng đèn nước của Moser không lo cháy nổ, giật điện, tiết kiệm được tiền điện chiếu sáng hàng ngày cho những hộ dân nghèo.

 


  • 31/10/2014 09:18
  • M.Hạnh (theo BBC)
  • 5514


Gửi nhận xét