Bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các công trình lưới điện: Nan giải...

Nhiều năm nay, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các công trình lưới điện luôn là một “bài toán nan giải” mà các đơn vị trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) phải đối mặt. Đặc biệt, khi tấc đấc còn hơn cả tấc vàng, thì độ khó của “bài toán” này càng tăng lên.

Theo NPT, năm 2010, một nửa số công trình triển khai bị chậm tiến độ xuất phát từ vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Từ nay đến năm 2015, Tổng công ty sẽ đầu tư 38 dự án cấp điện áp 500 kV, 80 dự án cấp điện áp 220 kV.

Với khối lượng đầu tư lớn như vậy, cần phải thu hồi khoảng 513 ha đất phục vụ thi công. Bên cạnh đó, khoảng gần 15 ngàn ha đất bị ảnh hưởng bởi hành lang tuyến của các dự án. Do vậy, việc tìm kiếm những giải pháp, hướng đi trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) là yếu tố quyết định đến tiến độ công trình và hiệu quả của các dự án.

Giải pháp nào?

Hiện nay, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Cụ thể là một số bất cập trong chính sách, phương án tổ chức thuê tư vấn đền bù, sự hợp tác và trách nhiệm của chính quyền địa phương, thái độ hợp tác của người dân...

Ông Nguyễn Tiến Hải – Trưởng Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Nam bày tỏ: Cái vướng lớn nhất hiện nay trong công tác bồi thường GPMB là đơn giá đền bù giữa các địa phương không thống nhất. Cùng một loại cây, nhưng áp giá đền bù khác nhau ở mỗi địa phương, hoặc tại cùng một địa bàn nhưng đơn giá đền bù mới thường cao hơn đơn giá đền bù năm trước đó. Điều này dẫn tới việc nhiều hộ dân nhận tiền rồi nhưng lại khiếu nại, cản trở thi công, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư..

NPT gấp rút hoàn thiện các công trình nguồn điện

Ông Đào Mộng Thạch – Phó Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc đã mạnh dạn đề nghị: Hằng năm, NPT cần xây dựng chương trình làm việc với chính quyền các địa phương, ký kết thỏa thuận phối hợp giải quyết vấn đề GPMB cũng như những việc liên quan đến dự án xây dựng và phát triển lưới điện truyền tải tại địa phương.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Minh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, rất cần bổ sung đại diện của các công ty truyền tải điện vào Hội đồng đền bù GPMB của các địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình chung của toàn tuyến. Có như vậy, sau khi tiếp nhận quản lý vận hành công trình, đơn vị mới có thể làm tốt công tác hành lang tuyến...

Cần sự đồng thuận

Qua thực tế triển khai các dự án lưới điện, các đơn vị truyền tải cũng như các ban quản lý dự án đã đúc rút được nhiều bài học quý giá để từng bước gỡ rối trong công tác đền bù, GPMB. Đó là ngay từ đầu khi triển khai dự án, NPT cần yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác khảo sát tuyến, làm việc cụ thể, chi tiết với địa phương về tình hình quy hoạch nơi có dự án đi qua. Đồng thời, tư vấn có thể đề xuất 2 – 3 phương án tuyến, nhằm hạn chế tuyến đường dây đi qua làng xóm, đình, chùa có giá trị lịch sử, tâm linh, đường dân sinh, hệ thống thủy lợi, thủy nông…

Trong trường hợp có thể, đề nghị các đơn vị tư vấn thiết kế đảm nhận công việc bồi thường GPMB hoặc lựa chọn các đơn vị có năng lực tham gia thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cũng cần phải đi trước một bước, để giải thích cho dân hiểu về chế độ chính sách, tầm quan trọng của các dự án, qua đó tạo sự đồng thuận tại những nơi có đường dây đi qua…

Trong điều kiện cung cấp điện còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc đảm bảo tiến độ các dự án xây dựng hệ thống truyền tải điện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hơn bao giờ hết, “nút thắt” đền bù, giải phóng mặt bằng cần phải được NPT phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.

Năm 2010, NPT có 6/56 công trình khởi công chậm và 19/41 công trình bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB.


  • 04/08/2011 09:20
  • Tap chí Điện lực Tháng 6/2011
  • 5433