Bộ Tài chính khẳng định người dân không gánh lỗ ngoài ngành của EVN

Theo Bộ Tài chính, việc tăng giá điện là động thái nhằm từng bước đưa giá điện về sát giá thị trường.

Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng giá điện thêm 5% từ ngày 1/7, đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia cho rằng việc tăng giá điện lần này là "không có cơ sở" và "vô lý" khi EVN "ép" người dân phải gánh chịu các khoản thua lỗ do trình độ quản lý kinh doanh yếu kém của mình. 
 
Đáng lưu ý là nhiều ý kiến cho rằng EVN đã tính chung cả các khoản thua lỗ đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông với khoản thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng (EVN Telecom) vào khoản lỗ chung của mình và quyết định tăng giá để bù các khoản thua lỗ này. 
 
Về vấn đề này, trong buổi họp báo diễn ra sáng 5/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định "người dân không gánh lỗ ngoài ngành của EVN" vì trước khi chấp thuận cho EVN tăng giá, Bộ Tài chính đã kiểm tra, thanh tra, đánh giá tình hình cụ thể, kiểm tra các báo cáo tài chính để đảm bảo rằng EVN không gộp chung các khoản thua lỗ do đầu tư ngoài ngành của các công ty con.
 
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giá điện tăng 5% sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vòng 1 tăng 0,123%, CPI vòng 2 tăng 0,246% và CPI cả 2 vòng tăng 0,369% (với điều kiện là giá cả các mặt hàng khác ổn định). 
 
Trước đó, trả lời câu hỏi về tác động của giá điện đối với sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 3/7, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, "giá điện tăng chỉ gây ra tác động rất nhỏ”. 
 
Theo lý giải của bà Minh, đối với sản xuất, việc giá điện tăng 5% không ảnh hưởng nhiều vì kể cả đối với các ngành sử dụng nhiều điện nhất (như hóa chất, luyện kim,..) thì tỷ trọng giá điện trong giá thành phẩm cũng chỉ là 10%. 
 
“Như vậy, giá điện tăng 5% sẽ chỉ khiến giá thành sản phẩm tăng tối đa 0,5%”, bà Minh nhận định. 
 


  • 06/07/2012 09:26
  • Theo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu
  • 2713


Gửi nhận xét