Biểu giá điện mới đem lại cho khách hàng sử dụng điện những lợi ích gì?

Từ ngày 1/6/2014, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới được áp dụng trên toàn quốc. Vì sao phải ban hành biểu giá điện mới, biểu giá điện mới có tác động như thế nào đến khách hàng sử dụng điện? Sau đây là trao đổi của phóng viên evn.com.vn với ông Hồ Mạnh Tuấn - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Hồ Mạnh Tuấn

PV: Ông cho biết vì sao phải thay đổi biểu giá điện và thời điểm bắt đầu áp dụng từ 1/6/2014?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Nhằm tiếp tục từng bước hoàn thiện cơ cấu biểu giá bán điện, thực hiện lộ trình chuyển đổi giá điện theo cơ chế thị trường, đồng thời đáp ứng phù hợp với tình hình thực tiễn sử dụng điện và thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngày 7/4/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.

Thực hiện Quyết định trên, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 quy định về thực hiện giá điện và Quyết định số 4887/QĐ-BCT ngày 30/5/2014 quy định về giá bán điện, để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31/7/2013 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện.

PV: Biểu giá điện mới có tăng giá điện hay không thưa ông?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Đây không phải là lần điều chỉnh tăng giá điện, do mức giá bán lẻ điện bình quân vẫn được giữ nguyên ở mức 1508,85đ/kWh như quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31/7/2013 của Bộ Công Thương.

PV: Những thay đổi căn bản của biểu giá điện mới lần này là gì, đem lại lợi ích gì cho khách hàng sử dụng điện?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ 1/6/2014 được cấu trúc theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh một số nhóm đối tượng khách hàng và mức giá của biểu giá điện hiện hành. Để tăng cường thực hiện chính sách an sinh xã hội, các khách hàng khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia sẽ được áp dụng biểu giá điện như khách hàng sử dụng điện ở khu vực nối lưới điện quốc gia, theo đó họ sẽ được hưởng giá điện của Chính phủ như khách hàng trên đất liền, không còn phải trả giá cao như trước đây.

Cũng theo Quyết định này, các hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện. Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện. Mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Kinh phí hỗ trợ này được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Với biểu giá bán lẻ điện mới, các khách hàng sử dụng điện tại các xã đảo, huyện đảo được hưởng giá điện của Chính phủ như khách hàng trên đất liền, không còn phải trả giá cao như trước đây.

PV: Việc áp dụng mức giá điện bình quân thống nhất toàn quốc kể cả khu vực hải đảo (hiện sử dụng nguồn điện chạy dầu có giá thành cao) sẽ tác động như thế nào đến chi phí sản xuất điện của EVN? Nguồn chi phí bù lỗ này sẽ được EVN giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Đương nhiên sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện của EVN do ở một số đảo như Phú Quý, Côn Đảo... hiện vẫn còn phải sử dụng điện từ nguồn phát điện tại chỗ (chủ yếu là diesel) với giá thành cao. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 9 điều 3 Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, chênh lệch chi phí của đơn vị điện lực do áp dụng giá bán điện thống nhất toàn quốc thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện chung toàn quốc đối với các khu vực do Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán điện.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 04/06/2014 11:02
  • Vũ Lam thực hiện
  • 3181


Gửi nhận xét