Bí quyết để ra quyết định chính xác

Nếu nhà lãnh đạo muốn ra quyết định chính xác, bí quyết không phải là cân nhắc thêm yếu tố mà là giảm bớt số lượng quyết định.

Nguyên nhân và ảnh hưởng

Dù giới học thuật chưa biết chính xác nguồn lực nào bị rút đi khi trải qua căng thẳng tinh thần, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mỗi người đều có hạn mức năng lượng nhất định cho việc ra quyết định mỗi ngày. Khi chạm ngưỡng, người ta sẽ phản ứng bằng cách “để sau” và dành suy nghĩ cho bất kỳ quyết định mới nào vào ngày khác. Nói cách khác, giống như cơ bắp kiệt sức sau một thời gian hoạt động, não bộ cũng mệt mỏi sau khi phải ra quá nhiều quyết định, có thể sẽ tự động “đình công”. Lúc này, để nhanh chóng giải quyết vấn đề, não hoặc sẽ ra quyết định chóng vánh, thiếu cân nhắc, hoặc phớt lờ hay trì hoãn quyết định.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa não và cơ bắp là mỗi người thường không nhận thức được khi nào não cần nghỉ ngơi để hồi phục năng lượng tinh thần. Thời gian chạm ngưỡng nhanh hay chậm tùy vào một số yếu tố, gồm tần suất, độ phức tạp và sự mới mẻ của quyết định phải đưa ra. Ví dụ, chọn món cho bữa sáng không phải quyết định khó khăn, khi nó không chỉ bị giới hạn bởi lựa chọn có sẵn, mà còn được thực hiện mỗi ngày với độ phức tạp thấp. Ngay cả khi không chắc nên ăn gì, khoảng cách giữa quyết định này và quyết định kế cũng giúp chủ thể có đủ thời gian để phục hồi năng lượng tinh thần đã tiêu hao. Dù vậy, nếu tình huống ô tô đột ngột chết máy khi đang trên đường đến một cuộc họp quan trọng, mọi chuyện sẽ rất khác. Hơn nữa, áp lực thời gian cũng có thể gây thêm căng thẳng cả trong quá trình ra quyết định lẫn sau đó, khi chủ thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để tự hỏi liệu mình có đưa ra quyết định khác nếu có nhiều thời gian hơn hay không.

Do đó, với người phải đưa ra lựa chọn quan trọng mỗi ngày, chứng mệt mỏi vì ra quyết định có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều.

Thứ nhất, nó có thể khiến chủ thể dễ dàng bị thao túng trong các quyết định. Đây cũng là lý do đồ ăn vặt thường được đặt gần hoặc tại quầy thu ngân nhằm lợi dụng khuynh hướng mua đồ ngoài kế hoạch sau khi đã ra một loạt quyết định.

Thứ hai, dưới ảnh hưởng của sự mệt mỏi, chủ thể thường đánh đổi giữa lợi ích ngắn và dài hạn. Ví dụ, sau một ngày làm việc căng thẳng, người ta sẽ dễ dàng chọn “ăn đại bên ngoài” thay vì tự nấu ăn.

Bí quyết để có quyết định chính xác

Bí quyết đơn giản là đưa ra ít quyết định mỗi ngày và giải quyết danh sách việc cần làm trong nhiều ngày hoặc thậm chí loại hoàn toàn một số quyết định đã quá quen thuộc.

Đồng thời, hãy ưu tiên ra quyết định quan trọng vào buổi sáng. Giống như nhóm thẩm phán trong nghiên cứu kể trên, càng đến cuối ngày, năng lượng dành cho quyết định càng gần chạm ngưỡng. Nên, hãy ưu tiên những việc “lớn” và quan trọng vào buổi sáng, khi quyết định dễ dàng có xu hướng chính xác hơn.

Cuối cùng, hãy giảm rủi ro mệt mỏi bằng cách thông qua xây dựng thói quen và tự động hóa tổ chức thông qua xây dựng đội nhóm. Nếu đã ở vị trí lãnh đạo, đừng nỗ lực tự giải quyết mọi vấn đề, thay vào đó, hãy xác định thời điểm nên tham gia và chịu trách nhiệm hoặc giao việc. Khi tổ chức phát triển, vai trò của người dẫn dắt đương nhiên cũng thay đổi và rồi việc suy nghĩ về chiến lược sẽ diễn ra thường xuyên hơn giải quyết các vấn đề hằng ngày. Nên, việc xây dựng, đào tạo đội nhóm để tự động tìm và làm việc là rất cần thiết, bởi nó sẽ cho phép người lãnh đạo tập trung vào những gì thực sự quan trọng.

Theo chuyên gia tiếp thị thần kinh Prince Ghuman, ngoài quyết định mang tính trực giác, não bộ con người có thể xử lý khoảng 75 quyết định cần suy nghĩ và phân tích kỹ trong ngày. Hãy nghĩ đến việc tỷ phú Mark Zuckerberg luôn chỉ mặc một kiểu áo duy nhất ấy là vì muốn tiết kiệm thời gian lẫn giảm bớt mệt mỏi từ việc suy nghĩ để ra quyết định.

Link gốc


  • 14/06/2024 10:05
  • Theo doanhnhansaigon.vn
  • 2687