Báo động tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở miền Trung

Thời gian gần đây, tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) xảy ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc cấp điện và an toàn cho người dân ở khu vực miền Trung, đặc biệt nguy hiểm là việc xây dựng nhà, trồng cây cao quá khổ trong HLATLĐ ở các đường dây trung, hạ thế và kể cả các đường dây cao thế.

Tính đến hết tháng 2/2014, trên địa bàn có 1.688 vụ vi phạm HLATĐ. Trong đó, Đắc Lắc xảy ra nhiều vụ vi phạm nhất (299 vụ), Bình Định với 250 vụ... Đáng chú ý, số vụ vi phạm ở các tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp.

Nếu những năm trước đây, tình trạng vi phạm HLATLĐ xảy ra nhiều ở khu vực đô thị và các khu đông dân cư, thì hiện nay lại xảy ra ở nhiều vùng nông thôn, miền núi. Thực trạng điểm nóng về vi phạm HLATLĐ “chuyển vùng” về nông thôn càng thêm khó khăn trong xử lý và hậu quả xảy ra cũng lớn hơn nhiều.

Năm 2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 32 vụ vi phạm HLATLĐ thì có tới 80% các vụ vi phạm thuộc các vùng nông thôn, tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Trà Bồng...

Trong đó, có vụ đặc biệt nghiêm trọng như trường hợp hộ ông Phạm Đình Thắng (trú xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi) tự ý chống dây điện hạ áp (0,4- 22kv) để xây nhà. Vụ việc đã được các cấp, kể cả UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo giải quyết nhưng gia đình ông Thắng không hợp tác. Đây là đường dây cấp điện cho 2/3 dân số của xã Nghĩa Dũng nên nếu xảy ra sự cố tại đây thì gần 70% hộ dân ở đây không có điện sử dụng. Theo báo cáo của Điện lực Quảng Ngãi, hơn 60% các trường hợp vi phạm HLATLĐ là do làm nhà dưới đường dây điện.

Nóc nhà ông Phạm Đình Thắng (xã Nghĩa Dũng) gần chạm vào đường dây trung áp

Bên cạnh đó, tình trạng trồng cây cao quá khổ cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến vi phạm HLATLĐ ở địa bàn nông thôn, miền núi. Đơn cử, tại xã Tịnh Thọ (H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) có hàng chục héc-ta cây tràm, bạch đàn cao từ 5-7m được trồng ngay dưới đường dây từ 35-110kV.

Ông Cao Chức, Phó Giám đốc Điện lực Quảng Ngãi cho biết: Hầu hết các chủ rừng này sau khi trồng, họ bỏ rừng đi làm xa, chỉ đến khi thu hoạch mới về khai thác. Do vậy, rất khó gặp được chủ rừng để yêu cầu cắt tỉa cây theo quy định. Để đảm bảo an toàn đường dây, Điện lực Quảng Ngãi phải thuê người phát quang, rất tốn kém.

Tại khu vực Đà Nẵng, tình trạng vi phạm có giảm nhiều so với các năm trước (đến hết tháng 2-2014 có 44 vụ vi phạm HLATLĐ, giảm 13 so với cả năm 2013). Tuy nhiên, những vụ vi phạm tại Đà Nẵng nếu xảy ra, thường gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có các vụ vi phạm như trẻ em thả diều vào mùa hè làm vướng dây diều vào dây điện, gây mất điện hoặc xe xúc đất của các đơn vị thi công các công trình giao thông, do người điều khiển phương tiện không chú ý đã để cần của máy xúc chạm vào dây điện trung thế làm mất điện.

Tuy nhiên, đối với rừng trồng vi phạm HLATLĐ của đồng bào dân tộc thiểu số thì việc xử lý càng khó khăn hơn; Đơn vị điện lực địa phương rất khó đơn phương “xử lý” rừng trồng vi phạm.

Nếu muốn “đụng” đến rừng trồng của đồng bào thì họ yêu cầu bồi thường thiệt hại cây, bởi họ cho rằng đất đã được Nhà nước giao cho họ thì họ có quyền trồng cây. Điều này lý giải vì sao các vụ vi phạm HLATLĐ xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, các vụ vi phạm về trồng cây, đốt rẫy dưới đường dây điện ở các tỉnh Tây Nguyên diễn ra rất phức tạp nhưng cũng rất khó xử lý triệt để.

Ông Trương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Điện lực Gia Lai cho biết: Tình trạng vi phạm HLATLĐ ngày càng nghiêm trọng như hiện nay có nguyên nhân sâu xa là khi giao đất, giao rừng và kể cả việc cấp giấy phép làm nhà của các cơ quan chức năng không tách bạch rõ cho chủ hộ biết là phần diện tích nào thuộc HLATLĐ, hoặc khi cấp giấy phép nhà trong phạm vi HLATLĐ mà không tham khảo ý kiến của ngành Điện. Vì vậy, khi xảy ra vi phạm rất khó thuyết phục được chủ hộ (chủ nhà và chủ rừng) đã làm nhà, hoặc trồng cây vi phạm HLATLĐ.

Tình trạng vi phạm HLATLĐ, nhất là tình trạng vi phạm HLATLĐ đối với các đường dây cao áp ngoài việc gây nguy hiểm cho người dân, mất an toàn trong việc cấp điện mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống điện. Để ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm HLATLĐ rất cần sự ra tay của các cấp chính quyền các địa phương và việc nâng cao nhận thức của người dân.       


  • 25/04/2014 04:57
  • Theo cadn.com.vn
  • 3574


Gửi nhận xét