Báo động tình trạng trộm cắp điện gia tăng và diễn biến phức tạp

Năm 2012, tình trạng trộm cắp điện trong cả nước diễn ra ở mức báo động và có chiều hướng gia tăng về mức độ tinh vi, phức tạp, không những làm thất thoát điện năng, tài sản của Nhà nước, mà còn làm tăng nguy cơ mất an toàn trong cung ứng và sử dụng điện. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa.

Án tù cho đối tượng trộm cắp điện

Tháng 8/2012, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đã phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương đưa ra truy tố trước pháp luật vụ trộm cắp điện có quy mô lớn tại các huyện: Tứ kỳ, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện và Chí Linh. Theo đó, Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ và Bình Giang đã đưa ra xét xử 22 đối tượng trộm cắp điện, trong đó có 10 đối tượng bị xử phạt tù giam từ 42 tháng trở xuống, còn lại 12 đối tượng bị xử phạt tù, nhưng cho hưởng án treo.

TBA xã Lê Thiện (Hải Phòng) - nơi phát hiện trộm cắp điện tinh vi của HTX Lê Thiện

Tại thành phố Hải Phòng, khu vực có sản lượng điệm chiếm 10% sản lượng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC), trong hai tháng 8 và 9/2012, đã bắt quả tang 45 vụ trộm cắp điện với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Điển hình là vụ trộm cắp với mức độ hết sức tinh vi mà Cơ quan chức năng liên ngành đã mất nhiều thời gian điều tra, mật phục mới bắt được quả tang tại hiện trường. Đó là Hợp tác xã Dịch vụ Điện nước Lê Thiện (xã Lê Thiện, huyện An Dương) đã thay chì niêm phong, thay bánh răng bên trong công tơ cơ, trộm cắp điện. Hợp tác xã này đã phải bồi thường thiệt hại cho Bên bán điện khoảng 170 triệu đồng.

Theo số liệu chính thức của 5 tổng công ty điện lực thuộc EVN, trong năm 2010, năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, các Tổng công ty đã phát hiện và lập biên bản 4.768 vụ trộm cắp điện (với sản lượng điện bị trộm cắp từ 3.000 kWh trở lên/vụ), số tiền truy thu được 110 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện trộm cắp lên tới 52.262.861 kWh.

Tại Nhà máy Sản xuất sắt xốp thuộc Công ty TNHH Nhật Phát (Khu Công nghiệp Cầu Vàng 2), huyện An Lão, Cơ quan chức năng liên ngành cũng bắt quả tang bên mua điện thay chì niêm phong, tác động các công tơ điện tử đo đếm phía cao thế 35 kV làm sai lệch đo đếm để trộm cắp điện. Sau khi ký biên bản thừa nhận hành vi trộm điện, đơn vị này đã tạm thời bồi thường thiệt hại cho bên bán điện 151 triệu đồng để được đóng điện tiếp tục sản xuất.

Thủ đoạn tinh vi…

Qua các vụ trộm cắp điện cho thấy, các đối tượng đã thực hiện việc đảo sơ đồ đấu dây, “phẫu thuật” bên trong công tơ, làm chậm vòng quay đồng hồ, phá niêm phong kẹp chì, tạo niêm phong giả…Có rất nhiều thủ đoạn tinh vi đã và đang được các đối tượng trộm cắp điện vận dụng hòng “qua mặt” đơn vị quản lý ngành Điện.

“Đặc biệt, những vụ gian lận gần đây, đối tượng trộm cắp điện đã tìm cách thay đổi cả những tính năng hoạt động của công tơ. Đồng hồ công tơ của ngành Điện cấp phát đến hộ dân là 450 vòng quay sẽ ra 1 số điện. Nhưng bằng cách “phẫu thuật” bên trong công tơ, đối tượng trộm cắp có thể điều chỉnh lên đến 900 - 1.200 vòng mới thành 1 số điện.

Để làm được điều này, đối tượng phải có kiến thức và tay nghề, hiểu biết về lĩnh vực điện. Các hình thức trộm cắp điện như câu móc điện trực tiếp vào đường dây điện hạ áp, phá khóa, phá chì hoặc làm giả chì niêm phong của cơ quan kiểm định đo lường chất lượng, thậm chí còn tác động trực tiếp làm công tơ chạy chậm”. Ông Nguyễn Văn Đài, Đội trưởng kiểm tra và giám sát điện năng, Công ty Điện lực Long Biên (EVN Hà Nội)  cho biết.

Theo ông Dương Đức Hùng, Chánh thanh tra Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, đối tượng trộm cắp điện đã tác động vào loại công tơ điện tử công nghệ cao, cấp điện áp không chỉ ở lưới điện trung áp mà còn ở lưới điện cao thế đến 35 kV. Nếu sản lượng điện càng lớn thì càng trộm cắp nhiều. Riêng việc can thiệp vào công tơ điện tử thì Hải Phòng là nơi đầu tiên phát hiện hành vi vi phạm này có mức độ tinh vi và phức tạp nhất từ trước đến nay.

Cần xử lý quyết liệt

Người dân địa phương phản ánh những bức xúc với PV về trình trạng trộm cắp điện ở Hải Phòng

Ông Trần Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng cho biết, một số quy định hiện hành gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp trộm cắp điện. Chẳng hạn, nhân viên điện lực không có thẩm quyền khám nhà của khách hàng, nên rất khó bắt quả tang hành vi gian lận. Trong quá trình tác nghiệp, nhân viên điện lực thường xuyên bị khách hàng vi phạm làm khó dễ, thậm chí đã có trường hợp bị khách hàng hành hung.

“Theo quy định, mọi hành vi gian lận đều phải được bắt quả tang. Các trường hợp khách hàng cắt niêm phong chì, đục lỗ công tơ điện để gian lận điện, nếu không bắt tận tay, thì cũng chỉ có thể xử phạt khách hàng về việc không bảo quản tốt công tơ điện”, ông Quỳnh chia sẻ.

Một bất cập khác là, theo quy định tại Khoản 1, Điều 29 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, trường hợp trộm cắp điện với số lượng trên 3.000 kWh, ngành Điện sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 138 Bộ Luật hình sự về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, thời gian qua, chỉ có một số trường hợp trộm cắp điện được đưa ra xét xử hình sự, còn lại là xử lý bằng hình thức khác như xử phạt hành chính, dẫn đến chưa đủ tính răn đe, kịp thời ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện.

Để phòng, chống nạn trộm cắp điện, điều quan trọng là cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng điện. Điều quan trọng không kém là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ngành Điện trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật hành vi trộm cắp điện trong thời gian tới. 

Năm 2012, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã kiểm tra và phát hiện 2.936 vụ trộm cắp điện, xử lý yêu cầu bồi thường trên 4.5 triệu kWh, tương đương với hơn 11.5 tỷ đồng. 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10/2012, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã lập 1.331 biên bản kiểm tra sử dụng điện, xử lý 1.302 biên bản và đã truy thu theo 1.185 biên bản. Tổng lượng điện năng bị gian lận là 10,40 triệu kWh, tương đương số tiền bồi thường là 24.5 tỉ đồng.

 


  • 19/02/2013 06:50
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 5505


Gửi nhận xét