Bàn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở evn

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2014 là "Tối ưu hoá chi phí" nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD). Theo đó, các đơn vị trong Tập Đoàn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong quản lý, điều hành sản xuất – kinh doanh điện năng. Song về lâu dài, phải có một chiến lược đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực (NNL) là nguồn lực con người, một trong những nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội. Một doanh nghiệp dù có nguồn tài chính dồi dào, máy móc thiết bị hiện đại, nhưng nếu chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, không phát huy được năng lực con người cũng không đạt được thành công. Điều này đã được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh.

Thực tế trong những năm qua, với lực lượng cán bộ công nhân được đào tạo cơ bản, ngành Điện hiện có thể đảm đương nhiều công việc phức tạp, đòi hỏi trình độ cao về khoa học và công nghệ mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta vẫn phải thuê tư vấn nước ngoài giải quyết một số vướng mắc về quản lý và công nghệ mới. Một trong những thách thức đang đặt ra đối với NNL hiện có là thiếu các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia trình độ cao về công nghệ; thiếu công nhân, kỹ thuật viên lành nghề có khả năng tự chủ về công nghệ và hướng tới nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo nâng cao hiệu quả SXKD.

Trong nhiều năm qua, với đội ngũ cán bộ nhân viên được đào tạo cơ bản, EVN đã đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn hiệu quả. - Ảnh: Anh Vũ

Theo các chuyên gia về quản trị NNL, một trong những nguyên nhân nêu trên là do đội ngũ cán bộ quản lý hầu hết xuất thân từ kỹ thuật, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại. Hơn nữa, đa số được đào tạo trong nước, chất lượng chưa cao, nặng về lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tế. Trình độ ngoại ngữ yếu cũng là một hạn chế tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, công tác đào tạo cũng chưa thực sự được các đơn vị quan tâm đúng mức.

Các công ty điện lực là đơn vị cuối cùng trong chuỗi các đơn vị của EVN. Việc nâng cao chất lượng NNL tại các đơn vị này sẽ đóng góp một phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng NNL của Tập đoàn.

Một số giải pháp cụ thể
- Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, chú trọng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển EVN.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đầu ngành, đảm bảo đủ nhân lực chất lượng cao có khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể đáp ứng được yêu cầu trong lĩnh vực vận hành, kinh doanh bán điện và một số lĩnh vực khác, tiến tới làm chủ được các công nghệ tiên tiến. Bảo đảm đủ lực lượng công nhân kỹ thuật, có cơ cấu ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của EVN.

- Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo mới, đào tạo lại với tổ chức tuyển dụng theo yêu cầu nhiệm vụ SXKD. Đến năm 2020,  100% cán bộ quản lý của các đơn vị thành viên và phòng ban thuộc các công ty điện lực phải được đào tạo về quản trị doanh nghiệp, chính trị, pháp luật, tin học, đáp ứng được yêu cầu công tác.

- Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ và tiếp thu công nghệ mới, trong đó chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật.

- Đề xuất tăng cường cơ chế chính sách ưu đãi đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm như ngành Điện để các cơ quan nhà nước xem xét quyết định. Thực hiện chính sách ưu tiên bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ cán bộ giỏi, có năng lực để duy trì và phát triển NNL hiện có và thu hút nhân lực từ bên ngoài.

- Không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Sử dụng tiền lương là đòn bẩy phát triển sản xuất, duy trì đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật cao với ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm tốt. Đảm bảo phân phối tiền lương công bằng, tương xứng với những đóng góp của người lao động.

- Đề cao vai trò của Công đoàn cơ sở nhằm nâng cao chất lượng NNL thông qua công tác thi đua, khen thưởng, chăm sóc sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Giáo dục động viên người lao động phát huy hết năng lực. Xây dựng nhà truyền thống, tổ chức các hoạt động nhân Ngày Truyền thống ngành Điện (21/12 hàng năm) để khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người lao động về những truyền thống vẻ vang đó.

- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với môi trường kinh doanh để vận hành lưới điện an toàn, liên tục, ổn định, giảm tổn thất truyền tải và cải thiện hình ảnh ngành Điện trong suy nghĩ của khách hàng sử dụng điện.

Cùng với tiến trình phát triển, EVN cần tiếp tục đào tạo để có được những chuyên gia có trình độ cao về công nghệ - Ảnh: Anh Vũ

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, thay đổi nếp nghĩ “điện là độc quyền”, hướng tới phương châm “phục vụ khách hàng”; nâng cao quyền hạn và trách nhiệm cho nhân viên, khơi dậy ý thức kỷ luật tự giác, tác phong làm việc nghiêm túc và khoa học.

EVN là một doanh nghiệp nhà nước, hoạt động SXKD trên một lĩnh vực rất nhạy cảm và có ảnh hưởng lớn trực tiếp đến xã hội. Do đó, cần nâng cao chất lượng NNL mới có thể đáp ứng được yêu cầu cũng như định hướng phát triển SXKD trong thời gian tới.
 


  • 22/09/2014 03:42
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4267


Gửi nhận xét