Ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thuỷ điện Sơn La: Yếu tố quyết định thành công

Dự án Thủy điện Sơn La là dự án quan trọng cấp Nhà nước được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 44/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001. Phương án xây dựng công trình cũng được Quốc hội thông qua theo Nghị quyết số 13/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 gồm 3 dự án thành phần là: Dự án xây dựng công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư; dự án di dân tái định cư (TĐC) do Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu làm chủ đầu tư; và dự án công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông -  Vận tải làm chủ đầu tư.

Thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước – Quyết định đúng đắn

Đồng thời với việc phê duyệt dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thuỷ điện Sơn La (Ban CĐNN) theo Quyết định số 09/QĐ-TTg  ngày 15 tháng 01 năm 2004, để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quá trình thực hiện dự án. Đây là một quyết định đúng đắn – xây dựng một công trình thế kỷ không thể thiếu sự chỉ đạo tối cao và sáng suốt với tầm vóc của một “Tổng tư lệnh” tập trung những cơ quan đầu não của các bộ ngành liên quan.

Ban CĐNN do Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ) làm Trưởng ban, có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc đầu tư xây dựng công trình, quyết định những cơ chế, chính sách và giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện dự án; chỉ đạo phối hợp với các ngành, địa phương liên quan giải quyết các vấn đề về thực hiện dự án di dân tái định cư.

Theo Quy chế làm việc của Ban CĐNN được ban hành theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, từng uỷ viên của Ban CĐNN được phân công nhiệm vụ cụ thể theo lĩnh vực do mình phụ trách và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách và đề xuất những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đảm bảo hoàn thành công việc theo tiến độ yêu cầu.

Trưởng ban CĐNN định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng chủ trì cuộc họp Ban CĐNN nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các nhà thầu và các mặt hoạt động của Ban CĐNN; giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh ở các dự án thành phần để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, thành viên Ban CĐNN thực hiện, đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án.

Định kỳ hằng tháng, ông Thái Phụng Nê, Phó trưởng ban CĐNN chủ trì tổ chức kiểm tra tại công trường và họp điều độ dự án xây dựng công trình, kiểm điểm tình hình thực hiện của tháng trước, đề ra mục tiêu và nhiệm vụ của tháng sau và trong thời gian tới của từng đơn vị chủ đầu tư, cơ quan thiết kế, Ban Điều hành Tổng thầu và các đơn vị  tham gia xây dựng dự án.

Tiểu ban Chuyên trách di dân TĐC đã chủ động và tích cực tham mưu cho Ban CĐNN trong việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách về di dân TĐC, hướng dẫn các địa phương trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư hằng năm, thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện dự án, định kỳ kiểm tra và tổ chức các cuộc họp giao ban để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh hoặc báo cáo Ban CĐNN giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Tiểu ban Chuyên trách Xây dựng có bộ phận chuyên trách làm việc tại công trường; thường xuyên theo dõi, kiểm tra nắm tình hình về tiến độ thực hiện xây dựng công trình; đôn đốc các đơn vị trên công trường thực hiện các kết luận của Ban CĐNN; phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc báo cáo Ban CĐNN để kịp thời xử lý.  

Tổ Tổng hợp giúp việc Ban CĐNN làm đầu mối tổng hợp, phối hợp công việc với các tiểu ban và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện dự án; tổ chức họp điều độ hằng tháng tại công trường do ông Thái Phụng Nê chủ trì; theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện dự án, phát hiện những vấn đề tồn tại và kiến nghị biện pháp giải quyết để tổng hợp hằng tháng báo cáo Ban CĐNN.

Ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La đã hoạt động hiệu quả, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đảm bảo tiến độ dự án - Ảnh: VL

Tạo cơ chế đặc thù – rút ngắn tiến độ

Để quản lý và thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu theo các nghị quyết của Quốc hội, Ban CĐNN đã chỉ đạo xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Cơ chế quản lý và thực hiện dự án Thuỷ điện Sơn La theo Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2004. Đây là cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho dự án Thuỷ điện Sơn La, bao gồm 3 dự án thành phần đã tạo điều kiện cho các Chủ đầu tư, Tổng thầu và các đơn vị tham gia xây dựng dự án tiến hành công việc được thuận lợi, tiết kiệm nhiều thời gian trong quá trình quản lý và tổ chức thi công. Sau quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 sửa đổi, bổ sung một số điều và sau này hoàn chỉnh Cơ chế tại  Quyết định số 2107/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2010 thay thế Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2004 về Cơ chế quản lý và thực hiện dự án Thuỷ điện Sơn La.

Ở dự án xây dựng công trình, cơ chế đặc thù cho phép thiết kế kỹ thuật được lập theo 2 giai đoạn; một số nội dung được phê duyệt riêng, trước khi thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 được phê duyệt như tổng mặt bằng thi công, thiết kế kỹ thuật các công trình dẫn dòng thi công và các hạng mục công trình thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng và phục vụ thi công. Vì vậy, công tác chuẩn bị khởi công công trình đã được Ban CĐNN chỉ đạo chủ đầu tư, tổng thầu và các đơn vị liên quan tiến hành khẩn trương và đồng bộ.

Hệ thống đường giao thông trong và ngoài công trường, hệ thống cấp điện, cấp nước thi công, các cơ sở phụ trợ và lán trại được gấp rút chuẩn bị. Hệ thống công trình dẫn dòng được phép triển khai thi công trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật, nên đã có thể tiến hành khởi công công trình đồng thời với ngăn sông Đà vào ngày 02/12/2005, rút ngắn được tiến độ xây dựng công trình khoảng 1 năm nếu chờ phê duyệt xong thiết kế kỹ thuật mới triển khai thi công công trình.

Các cơ chế về xây dựng đơn giá công trình, thực hiện hợp đồng tổng thầu, tạm ứng, thanh toán, khoán và thanh toán các hạng mục phụ trợ… đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý và thi công. Việc thẩm định thiết kế kỹ thuật do ông Thái Phụng Nê, Phó trưởng ban CĐNN trực tiếp chủ trì được tiến hành chặt chẽ, trong đó áp dụng công nghệ thi công bê tông đầm lăn (RCC) cũng rút ngắn được thời gian thi công đập dâng, cho phép tích nước hồ chứa sớm hơn 1 năm so với thi công bằng bê tông thường (CVC).

Di dân tái định cư - Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Dự án di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Theo Quy hoạch tổng thể (QHTT) đã được phê duyệt, có 20.260 hộ phải di dời và được bố trí theo Quy hoạch có 81 khu, 272 điểm TĐC, tái định cư xen ghép vào 18 xã và tái định cư tự nguyện.

 Trong thời gian chuẩn bị dự án, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban CĐNN về di dân TĐC Dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn làm Trưởng ban (từ năm 2004 Ban CĐNN dự án Thuỷ điện Sơn La chỉ đạo chung thực hiện cả 3 dự án thành phần). Ban CĐNN đã chỉ đạo xây dựng thí điểm hai khu TĐC tại Si Pa Phìn (Điện Biên) và Mộc Châu (Sơn La), từ đó rút kinh nghiệm để xây dựng chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và lập Quy hoạch tổng thể di dân TĐC.

Có thể nói, về công tác di dân TĐC, Ban CĐNN đã chỉ đạo xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đồng bộ các chính sách về bồi thường, hỗ trợ di dân TĐC của dự án, chỉ đạo lập, phê duyệt Quy hoạch tổng thể và rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể cho phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã ban hành các quy định chi tiết để tổ chức thực hiện cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ban CĐNN thường xuyên theo dõi và chỉ đạo sát sao công tác di dân, tái định cư. Các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tập trung cao độ lực lượng để thực hiện công tác này, coi công tác di dân TĐC là công việc trọng tâm của Tỉnh trong thời gian qua.

Dự án di dân TĐC đã hoàn thành di chuyển toàn bộ 20.260 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ, đáp ứng tiến độ tích nước hồ chứa đến cao trình mực nước dâng 215m. Hiện nay, đang tiếp tục hoàn thiện xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm TĐC, thực hiện  hỗ trợ đời sống, sản xuất cho các hộ dân TĐC; tập trung thực hiện công tác giao đất sản xuất. Tính đến nay, đã giao được 21.748/23.571 ha đất sản xuất nông nghiệp, đạt 92% kế hoạch. Triển khai xây dựng một số mô hình sản xuất cho các hộ dân TĐC, thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất cho người dân tại nơi ở mới có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ về cơ sở hạ tầng như  đường giao thông, cấp  điện, cấp nước và  trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…; Xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân TĐC phi nông nghiệp tập trung tại đô thị, đặc biệt đối với 2 khu đô thị là thị xã Mường Lay và thị trấn Phiêng Lanh. Đối với các hộ dân TĐC tập trung nông thôn, xây dựng phương án phát triển sản xuất nông nghiệp và khai thác kinh tế rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê... Đời sống của nhân dân tại các khu TĐC đang dần ổn định và từng bước được cải thiện, tạo cơ sở vững chắc để ổn định lâu dài.

Công tác di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện - Ảnh: Anh Đức

Tháo gỡ khó khăn kịp thời

Đối với dự án các công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông - Vận tải làm Chủ đầu tư, Ban CĐNN cũng tập trung chỉ đạo, tháo gỡ nhiều khó khăn về thu xếp vốn, tổ chức thi công hoàn thành xây dựng cầu Pa Uôn, cầu Hang Tôm và quốc lộ 12 đáp ứng kịp thời tiến độ dâng nước hồ chứa, đồng bộ với tiến độ xây dựng công trình.

Các đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, Sơn La - Hiệp Hòa đấu nối Nhà máy Thủy điện Sơn La với hệ thống điện quốc gia cũng được Ban CĐNN chỉ đạo sát sao, tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tiến độ đưa các tổ máy của Thủy điện Sơn La vào vận hành.

Từ năm 2004 đến nay, Ban CĐNN đã tổ chức 28 cuộc họp Ban CĐNN và ra thông báo ý kiến kết luận cuộc họp của Trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La do Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban đã hoạt động thực sự hiệu quả, giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành, bổ sung đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách và hướng dẫn về quản lý, thực hiện các dự án thành phần; trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phối hợp thực hiện, tổ chức kiểm tra công tác điều độ đều đặn hàng tháng, quý, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Yếu tố quyết định thành công

Kết quả đạt được của dự án Thuỷ điện Sơn La rất to lớn và đáng tự hào. Dự án xây dựng công trình đã phát điện tổ máy số 1 vào ngày 25 tháng 12 năm 2010, sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của Quốc hội và hoàn thành công trình vào năm 2012, sớm hơn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Kết quả quan trắc và tính toán cho thấy, các hạng mục  công trình vận hành an toàn và ổn định.

 Những thành quả to lớn đạt được ở dự án Thuỷ điện Sơn La trước hết là nhờ sự cố gắng phấn đấu của các đơn vị chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn thiết kế và các đơn vị tham gia dự án xây dựng công trình và dự án giao thông tránh ngập; sự cố gắng nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân  các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu trong việc thực hiện dự án di dân tái định cư. Đồng thời sự chỉ đạo sát sao, nhất quán của Ban CĐNN trong quá trình thực hiện dự án cũng có tính quyết định đến sự thành công của dự án.

Tin rằng, từ kinh nghiệm của công tác chỉ đạo dự án Thủy điện Sơn La, Ban CĐNN sẽ chỉ đạo thực hiện dự án Thủy điện Lai Châu và các dự án quan trọng  quốc gia khác đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ và mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Đỗ Đông Xuyên
Vụ trưởng, Tổ trưởng Tổ Tổng hợp
Ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thuỷ điện Sơn La - Lai Châu


  • 05/01/2013 02:08
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 3809


Gửi nhận xét