“Bài toán khó” của EVNNPC

Tính đến hết quý I/2019, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) mới có gần 9% khách hàng không sử dụng tiền mặt khi thanh toán tiền điện. Làm thế nào để đưa tỷ lệ này lên 40% vào cuối năm là “bài toán” không đơn giản.

Phần lớn khách hàng ở nông thôn, miền núi

Ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, thời gian qua, EVNNPC đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn mười ngân hàng và 7 tổ chức tín dụng trung gian cung cấp dịch vụ thu hộ tiền điện không dùng tiền mặt. Các hình thức thanh toán tiền điện cũng rất đa dạng, tạo thuận lợi tốt nhất cho khách hàng như, trích nợ tự động, SMS & Mobile banking, Internet banking, ví điện tử, thẻ ATM, ủy nhiệm thu - ủy nhiệm chi, thanh toán qua website chăm sóc khách hàng EVNNPC… Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt ở các đơn vị thuộc Tổng công ty vẫn còn rất khiêm tốn.

Cũng theo ông Lê Quang Thái, EVNNPC đang quản lý và bán điện cho khách hàng tại 27 tỉnh/thành phố phía Bắc. Phần lớn khách hàng đều thuộc khu vực nông thôn, miền núi. Trong khi đó, địa chỉ giao dịch của các ngân hàng và tổ chức trung gian chủ yếu tập trung tại các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn... Thậm chí, nhiều ngân hàng chỉ có quầy giao dịch tại trung tâm các tỉnh mà chưa có quầy giao dịch đến các huyện. Tính đến hết tháng 3/2019, chỉ có khoảng 2,97 triệu khách hàng của EVNNPC (chiếm 29,43%) thuộc khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là khu vực thuận lợi cho việc hợp tác thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện.

Bên cạnh đó, phần lớn khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn có thói quen sử dụng tiền mặt, rất khó thay đổi. Ngoài ra, đối tượng khách hàng thanh toán tiền điện ở các khu vực này chủ yếu là những người nhiều tuổi, chưa quen sử dụng tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, hay các thiết bị công nghệ…

Quản lý, bán điện trên địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa chiếm tỉ lệ lớn, nên việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt của EVNNPC gặp nhiều khó khăn 

Cần sự phối hợp đồng bộ 

Để tăng tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, EVNNPC đang nghiên cứu, dịch chuyển các điểm thu không sử dụng tiền mặt đến các khu vực nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dễ dàng các điểm thanh toán. Đồng thời, Tổng công ty cũng làm việc với các ngân hàng và đối tác trung gian, tìm các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể: Hỗ trợ chi phí giao dịch, thưởng tiền khi đăng ký tham gia giao dịch,... tiến hành nhắn tin quảng bá đến khách hàng có tài khoản; phối hợp với các đối tác triển khai thí điểm các giải pháp thanh toán điện tử, đặc biệt là hợp tác với Ecpay, VNPost, Viettel... trong việc sử dụng ví điện tử thanh toán tiền điện.

EVNNPC cũng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền như treo băng rôn, thông báo, hướng dẫn tại các điểm giao dịch của ngành Điện, đối tác thu hộ và bảng tin tại các trường đại học, cao đẳng, trung học, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn... Đặc biệt, các công ty điện lực/điện lực phối hợp với các ngân hàng/tổ chức thanh toán trung gian trực tiếp đến các tổ chức, cơ quan ban ngành, bệnh viện, trường học hoặc các doanh nghiệp đang trả lương qua ngân hàng, tổ chức truyền thông, hướng dẫn và vận động CBCNV thanh toán tiền điện qua ngân hàng. Các công ty điện lực cũng báo cáo UBND các tỉnh/thành phố để các địa phương có cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tham gia thanh toán điện tử; đặc biệt là các cán bộ, công chức được trả lương qua thẻ.

Cũng theo ông Lê Quang Thái, EVNNPC phấn đấu đưa tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 40% vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, thực hiện được mục tiêu này là không đơn giản, EVNNPC rất cần sự chung tay, giúp sức của các đối tác, các sở, ban, ngành, đặc biệt là chính quyền các địa phương. 


  • 15/08/2019 02:16
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7489