Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Lễ kỷ niệm 20 năm ĐZ 500 kV Bắc – Nam

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã tham dự và có bài phát biểu chúc mừng. BBT xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị thuộc Tập đoàn,

Thưa các đồng chí cán bộ, công nhân viên chức ngành Điện lực Việt Nam.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi mừng các ngày kỷ niêm trong tháng Năm lịch sử, Chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, 60 năm chiến thắng Điện Biên, ngày 7/5, 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 và hôm nay chúng ta tập trung tại đây để kỷ niệm 20 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1. Thay mặt đồng chí Thủ tướng Chính phủ, tôi xin chia sẻ niềm vui, niềm tự hào to lớn này đến tất cả các đồng chí lão thành ngành điện, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Tập đoàn, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành Điện lực Việt Nam, các vị khách quý, quý vị đại biểu.

Thưa quý vị khách quý, quý vị đại biểu.

Nhìn lại bối cảnh những năm đầu của thập kỷ 90, hệ thống điện của nước ta còn chưa được kết nối thống nhất và bộc lộ nhiều bất cập. Việt đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển KT-XH của đất nước là một yêu cầu hết sức cấp thiết, đặc biệt là đối với khu vực miền Nam – là khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ và năng động, nhu cầu điện tăng cao, nhưng lại luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên do nguồn điện chỉ đáp ứng tối đa được 50 - 60% nhu cầu. Một số khu vực miền Trung cũng phải sử dụng nguồn điện chạy bằng dầu diesel và nhận điện từ miền Bắc qua đường dây 110 kV, điện áp rất thấp, trong khi đó ở miền Bắc lại có hiện tượng “thừa điện”, do đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình tổ máy thứ nhất vào năm 1988 và toàn bộ vào năm 1994, các nhà máy nhiệt điện đốt than Phả Lại, Uông Bí, Minh Bình phải huy động với công suất thấp, nhiều thời gian phải ngừng huy động.

Việc nghiên cứu xây dựng công trình đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 để truyền tải điện năng dư thừa từ miền Bắc cấp điện cho miền Trung và miền Nam đang trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ ba miền thành một hệ thống điện thống nhất đã được đặt ra. Thủ tướng Chính phủ khi đó là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu làm rõ 3 vấn đề khi xây dựng đường dây 500 kV, đó là tính khả thi về công nghệ, hiệu quả kinh tế và tính an toàn. Bởi vì bỏ ra gần 5.500 tỷ đồng (towng đương 544 triệu USD) vào thời điểm năm 1992 để đầu tư công trình là một vấn đề rất lớn đối với NSNN khi ấy.

Như đã nêu trong báo cáo của đồng chí Chủ tịch EVN, sau rất nhiều hội thảo khoa học, rà soát, tham vấn các nhà khoa học trong và ngoài nước, trên cơ sở luận chứng khoa học chặt chẽ, ngày 25/2/1992, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật Dự án Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 với yêu cầu phải hoàn thành trong vòng 2 năm.

Việc xây dựng và hoàn thành Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 có chiều dài lớn (1.487 km), công nghệ phức tạp trong một thời gian ngắn kỷ lục trong bối cảnh 20 năm trước đã trở thành kỳ tích của ngành điện Việt Nam. Đưa đường dây vào vận hành thành công, chúng ta đã xóa bỏ đi những hồ nghi, e ngại ban đầu và quan trọng nhất là chúng ta đã có một hệ thống điện quốc gia hợp nhất, từ đó đảm bảo việc vận hành kinh tế các nhà máy điện trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Tổng kết 20 năm vận hành Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1, chúng ta càng khẳng định việc đầu tư đường dây là một quyết định đúng đắn, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, mà trực tiếp là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Việc xây dựng và đưa vào vận hành Đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã đem lại các lợi ích chính sau đây cho đất nước:

- Giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của các khu vực miền Nam, miền Trung, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH của đất nước. Sau khi Đường dây 500kV Bắc – Nam đóng điện thì điện thương phẩm của toàn quốc từ mức tăng trưởng bình quân 8,2%/năm giai đoạn 1990-1993 đã tăng đột biến lên đến 18,2%/năm trong giai đoạn 1993 – 1997; trong đó khu vực miền Trung và miền Nam tăng bình quân là 21%/năm giai đoạn 1993-1997 và 25% năm 1995. Phát triển của ngành điện trong thời kỳ này cùng với chính sách đổi mới trong giai đoạn này đã góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước, đưa tốc độ tăng GDP từ 5,1% năm 1990 lên 9,5% năm 1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.

- Góp phần quan trọng trọng việc hình thành hệ thống truyền tải điện bền vững: Đường dây đã liên kết hệ thống điện 3 miền Bắc – Trung – Nam thành hệ thống điện thống nhất, làm nền tảng cho lưới điện truyền tải phát triển phủ khắp đất nước. Nếu như năm 1994, lưới điện truyền tải (chỉ tính các cấp điện áp 220, 500 kV) trên cả nước mới chỉ có 3.400 km đường dây, tổng dung lượng máy biến áp 500-220 kV là 3.655 MVA, thì sau 20 năm, cả nước có 18.657 km đường dây, tăng 5,5 lần, 96 trạm biến áp có tổng dung lượng trên 50.600 MVA, tăng 13,8 lần.

- Góp phần phát triển khoa học và công nghệ của đất nước: Khi xây dựng đường dây này, lần đầu tiên chúng ta sử dụng các công nghệ mới như cáp quang, là tiền đề hợp nhất hệ thống công nghệ thông tin toàn quốc, các thiết bị điều khiển, bảo vệ kỹ thuật số, các thiết bị bảo vệ song song với nhau. Đặc biệt là chất lượng kỹ thuật công trình, trong đó có hệ thống bảo vệ sự cố và hệ thống tự động hóa được đặt lên hàng đầu. Những thành tựu khoa học, kỹ thuật từ công trình này đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển khoa học – công nghệ truyền tải điện của Việt Nam.

- Phát huy ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam và phát triển ngành công nghiệp xây dựng điện của Việt Nam: Công tác thiết kế, thi công công trình đường dây 500 kV chủ yếu do các doanh nghiệp của Việt Nam thực hiện. Qua công trình này, các đơn vị thiết kế, các doanh nghiệp xây lắp của Việt Nam đã có bước trường thành, đảm đương thực hiện được các công trình điện phức tạp, quy mô lớn.

- Và có lẽ, điều quan trọng hơn là sau Đường dây 500 kV chúng ta đã có được một đội ngũ cán bộ trưởng thành, qua thử thách, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật, đến lực lượng công nhân thi công xây lắp, vận hành, sửa chửa hệ thống truyền tải điện.

Nhân dịp Hội nghị này, tôi xin ghi nhận và đánh giá cao nhiều thế hệ, cán bộ công nhân viên ngành điện, ngành xây lắp điện đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành điện Việt Nam: Các Công ty tư vấn thiết kế điện 1, 2 và Phân viện khảo sát thiết kế Nha Trang, các Công ty điện lực, cán bộ công nhân viên các Công ty xây lắp 1, 2, 3, 4, Tổng Công ty Sông Đà là lực lượng thi công nòng cốt, các lực lượng quân đội như Binh đoàn 12, 15, Quân khu 4, 5, Quân đoàn 1, 3 và nhiều đơn vị khác đã hỗ trợ có hiệu quả cho các đơn vị thi công; người dây và các cấp chính quyền của các tỉnh, thành phố trong khu vực mà đường dây đi qua đã có sự giúp đỡ tận tình trong công tác GPMB; cán bộ, công nhân viên các Công ty truyền tải điện, ngay từ những ngày đầu đã thực hiện giám sát thi công, nghiệm thu chặt chẽ từng vị trí móng cột để sau này đảm nhiệm nhiệm vụ quản lý vận hành an toàn, tiếp quản, quản lý các công trình 500 kV vận hành an toàn, liên tục trong suốt 20 năm qua.

Thưa các đồng chí và các vị đại biểu!

Ngành Điện nước ta hiện nay đã có những bước phát triển vượt bậc, đã đảm bảo cung cấp điện cho yêu cầu phát triển KTXH với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao. Trong 20 năm qua, kể từ năm 1994, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản lượng điện sản xuất không ngừng tăng lên, từ 12,3 tỷ kWh năm 1994 tăng lên gần 130 tỷ kWh năm 2013 (tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13,2%); công suất lớn nhất của phụ tải hệ thống cũng tăng tương ứng từ khoảng 2.800 lên đến 21.000 MW (tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,2%). Mức tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 1994 và 2013 cũng tăng tương ứng từ 175 kWh lên 1.445 kWh (tăng gấp hơn 8 lần).

Mặc dù đã có những nỗ lực hết sức lớn lao nhu vậy, đạt được những thành tựu nhu vậy song ngành điện của chúng ta hiện nay vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển KTXH.

Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra cho ngành điện những nhiệm vụ hết sức nặng nề trong những năm tới. Ngoài nhiệm vụ phải bảo đảm cung cấp đủ điện nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, ngành điện phải tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao, phải có biện pháp, giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho sản xuất điện kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện phải gắn liền với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

Phát huy truyền thống đã đạt được, để thực hiện được những mục tiêu cụ thể trong Quy hoạch điện, tôi đề nghị Tập đoàn Điện lực tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải như sau:

- Về phát triển nguồn điện: Mặc dù hiện nay đã đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển nguồn điện song Tập đoàn điện lực Việt Nam vẫn giữ trọng trách chính, chủ đạo trong đầu tư phát triển nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện trong những năm tới.

- Về phát triển lưới điện truyền tải: Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực đầu tư mới, cải tạo song hiện nay vẫn phải nhìn nhận khách quan là lưới điện truyền tải vẫn còn chưa có dự phòng; một số trạm biến áp và đường dây bị quá tải vào giờ cao điểm đã làm ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện.

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 cùng đã đề ra mục tiêu cho phát triển lưới điện truyền tải là “Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối; kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực”. Vì vậy, trong những năm tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần có ưu tiên, đảm bảo không để thiếu vốn đầu tư cho phát triển lưới điện truyền tải; Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia cần đảm bảo thực hiện đầu tư để có lưới điện truyền tải đủ mạnh, đáp ứng các tiêu chí về an toàn tin cậy truyền tải điện; qua đó lưới điện truyền tải sẵn sàng phát huy hiệu quả toàn bộ nguồn điện trong hệ thống điện, đảm bảo dòng điện luôn liên tục và an toàn đến mọi miền của Tổ quốc.

Theo Quy hoạch Điện VII, bình quân giai đoạn 2014-2020 sẽ phải đầu tư trên 17.000 tỷ đồng/năm. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề do đặc thù lưới điện truyền tải thường trải dài qua nhiều địa phương, công tác đền bù GPMB gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh nhiệm vụ đầu tư xây dựng, các đồng chí cần tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, phát huy tính chủ động, sáng tạo để đề xuất kết cấu lưới điện, sơ đồ phát triển lưới điện truyền tải một cách hợp lý có độ tin cậy cao, tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả chung của ngành điện cũng như của toàn bộ nền kinh tế nước ta.

Nhiệm vụ đặt ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong giai đoạn mới là rất lớn và rất nặng nề. Tôi tin tưởng rằng, Tập đoàn sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành tựu đã đạt được và truyền thống tốt đẹp của mình để tiếp tục phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và thu được nhiều thành tích cao hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện, phát triển hạ tầng hệ thống điện hiện đại và đồng bộ, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến so với các nước trong khu vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thay mặt Chính phủ, một lần nữa tôi biểu dương những nỗ lực mà các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành điện đã cống hiến để đưa đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 vào vận hành an toàn, tin cậy, phát huy hiệu quả trong 20 năm vừa qua.


  • 28/05/2014 11:17
  • Nguồn: EVN
  • 3019


Gửi nhận xét