Áp dụng mô hình dịch vụ bán lẻ điện năng: Nâng cao năng suất lao động

Nghị quyết số 448/NQ-HĐTV ngày 25/6/2013 của Hội đồng thành viên EVN đã khẳng định, tiếp tục thực hiện mô hình Dịch vụ bán lẻ điện năng (DVBLĐN), đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh điện năng.

Một mô hình cần thiết

Tính đến hết tháng 6/2014 các TCTĐL/CTĐL/ĐL đã bán điện trực tiếp đến 80% số hộ nông thôn sử dụng điện, tương ứng với 13,43/16,42 triệu hộ. Trong đó, các CTĐL đã ký với tổ chức và cá nhân tại các địa phương 6.807 hợp đồng DVBLĐN, với hơn  15.317 lao động tham gia.

Nhờ áp dụng mô hình DVBLĐN, các tổng công ty điện lực và các đơn vị đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động khi thực hiện chương trình xóa bán điện tại công tơ tổng, đáp ứng được tốc độ phát triển khách hàng ngày càng cao, nhất là tại địa bàn có các dự án đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ công tác quản lý kinh doanh bán điện tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Mô hình này cũng là một giải pháp góp phần nâng cao năng suất lao động.

Một ưu điểm nữa của mô hình là giảm tình trạng quá tải trong việc ghi chỉ số công tơ - thu tiền điện (ghi điện - thu tiền). Do phần lớn lao động tham gia DVBLĐN là người địa phương, đã từng tham gia quản lý điện trước đây nên quen thuộc địa bàn, am hiểu tường tận sinh hoạt hàng ngày của khách hàng , nên hiệu quả thu tiền thường cao, số lần đi ghi điện - thu tiền giảm nhiều. Từ đó cũng giảm chi phí và thời gian đi lại, giảm đáng kể lượng hóa đơn tồn thu hàng tháng…

Mô hình dịch vụ bán lẻ điện năng giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất lao động của các điện lực - Ảnh: Vũ Chang

Ngoài ra, người thực hiện  DVBLĐN còn có thể đăng ký tham gia các công việc khác như: Treo, sửa chữa thùng  công tơ, chỉnh sửa trụ bị nghiêng, phát quang cây xanh, phát hiện các hiện tượng bất thường như, khách hàng sử dụng điện sai mục đích giá, khách hàng vi phạm sử dụng điện,... trên cơ sở đó kiến nghị  các đơn vị kiểm tra xử lý ngay.

Những người thực hiện DVBLĐN còn làm tốt vai trò cầu nối giữa CTĐL/ĐL với khách hàng, giúp Điện lực ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Đồng thời hỗ trợ cho Điện lực trong việc quảng bá các dịch vụ về điện, tiết kiệm điện hay thực hiện một số công việc đột xuất khi Điện lực có yêu cầu phối hợp.

Lao động tham gia DVBLĐN nói chung chấp hành tốt các quy định của các TCTĐL/CTĐL,thường xuyên  báo cáo những trường hợp bất thường trong sử dụng điện như lưới điện và thiết bị điện không an toàn có nguy cơ gây nguy hiểm cho người và tài sản, khách hàng sử dụng điện có hành vi lấy cắp điện hoặc sử dụng điện sai mục đích giá đã đăng ký, công tơ điện kẹt, cháy, chỉ số bất thường,... để CTĐL/ĐL kiểm tra và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực DVBLĐN hiện nay thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (sông ngòi chằng chịt, có địa hình giao thông đặc biệt khó khăn), chi phí thực hiện công tác ghi điện - thu tiền tăng, đặc biệt là trong tình hình giá xăng dầu cao như hiện nay, dẫn đến nhiều lao động không muốn tiếp tục làm việc. Thời gian hợp đồng của một số người làm  DVBLĐN không ổn định, sau vài tháng làm việc, họ  đã muốn nghỉ, gây không ít khó khăn cho việc bố trí nhân lực thay thế.

Đối với vùng núi xa xôi, hẻo lánh, việc duy trì mô hình dịch vụ bán lẻ điện năng là rất cần thiết - Ảnh: Vũ Chang

Tạo sự gắn bó với CTĐL/ĐL

Định kỳ hàng năm, CTĐL/ĐL đều tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và sát hạch cho những lao động làm DVBLĐN, đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu công việc, đồng thời phải có ý thức nâng cao trình độ giao tiếp khách hàng. Các CTĐL/ĐL cố gắng lồng ghép nội dung bồi dưỡng, huấn nghiệp vụ trong sinh hoạt định kỳ, khi thực hiện kiểm điểm công tác đối với lực lượng lao động làm DVBLĐN, tổ chức cho lực lượng này được học tập, tập huấn về quy tắc ứng xử, giao tiếp với khách hàng sử dụng điện và văn hóa doanh nghiệp của EVN.

Ngoài công việc ghi chỉ số công tơ điện - thu tiền, giao thêm những công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ khách hàng để tăng thêm thu nhập và tạo sự gắn bó với CTĐL.

Quan tâm tốt đến người lao động làm DVBLĐN, để DVBLĐN thực sự trở thành cầu nối giữa khách hàng và các CTĐL/ĐL; định kỳ hàng năm tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của mô hình DVBLĐN, có cơ chế khen thưởng kịp thời cho những người thực hiện; tổ chức cho người lao động trong lĩnh vực DVBLĐN tham quan, giao lưu với các CTĐL để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công việc.

Các TCTĐL đang tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHCN vào công tác kinh doanh điện năng, góp phần nâng cao năng suất lao động và chuyển nguồn nhân lực dôi dư do áp dụng KHCN sang đảm nhận nhiệm vụ DVBLĐN.
 


  • 22/09/2014 04:39
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 6626


Gửi nhận xét