Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê và kỳ tích Thủy điện Sơn La (kỳ cuối)

"Mình còn sức khỏe, mình phải làm việc. Nhưng nếu cứ làm việc chăm chỉ, cần mẫn theo nếp cũ thôi thì chán lắm! Muốn làm việc hiệu quả, phải có cải tiến. Mỗi ý tưởng, đề xuất cần phải được trân trọng, nghiên cứu và nhân rộng" - Đó là suy nghĩ, hành động là quan niệm sống, làm việc của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê. 50 năm gắn bó với các công trình thủy điện, tinh thần ấy, trí tuệ ấy vẫn vẹn nguyên trong cuộc sống và công việc của ông.

Năm 1999 khi đang làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Tiến sỹ Thái Phụng Nê bất ngờ nhận được Quyết định về làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Hai năm lăn lộn với công tác ở địa phương, ông đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao phó. "Đầu năm 2001, trở về Hà Nội khi đã ở tuổi 65. Lúc đó tôi nghĩ rằng T.Ư quyết định cho nghỉ hưu nhưng bất ngờ lại được giao nhiệm vụ Phái viên Thủ tướng Chính phủ về Dự án Thủy điện Sơn La. Nhiệm vụ này cũng phù hợp với nghề nghiệp của tôi. Mình còn sức khỏe, mình phải làm việc" - ông Nê chia sẻ.

Ngày chủ nhật... không bình yên

Khi ông Nê được giao nhiệm vụ là Phái viên Thủ tướng Chính phủ cũng là lúc cuộc tranh luận quy hoạch bậc thang thủy điện Sông Đà đang ở giai đoạn gay gắt. Các phương án quy hoạch bậc thang Sông Đà được tập trung bàn thảo, tranh cãi, đó là Sơn La cao gồm 2 bậc – Hòa Bình và Sơn La cao(Theo phương án này, trên dòng chính Sông Đà chỉ xây dựng 2 nhà máy thủy điện: Hòa Bình và Sơn La).Phương án Sơn La thấp gồm 3 nhà máy: Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. Tranh luận nảy lửa. Nhiều vấn đề như hiệu quả kinh tế, chuyện di dân khu vực lòng hồ… nhưng tập trung nhất vẫn là vấn đề an toàn cho hạ du, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Sau khi nghe ý kiến tư vấn của nhiều chuyên gia nước ngoài, Dự án đã được Quốc hội thông qua về chủ trương, chọn phương án Sơn La thấp với 3 bậc thang, và  quy định trong nghị quyết của Quốc hội chọn mức nước của hồ Sơn La là chỉ ở mức 205m đến 215m.

Dự án được triển khai, với tư cách là Phó ban chỉ đạo nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu, ông Nê lại cùng sát cánh với những đồng nghiệp vượt qua những thử thách lớn lao trên đại công trường thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này.

Trong câu chuyện của ông về Thủy điện Sơn La, một điều rất rõ nhận ra là mọi tâm sức, buồn vui của ông đã dành cả cho công trình, trong đó có nhiều bài học "xương máu" về nghề thủy điện.

Một kỷ niệm đáng nhớ luôn hằn sâu trong tâm trí ông: Đó là một buổi sáng chủ nhật đầu tháng 11/2005, khi chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra lễ ngăn sông, khởi công dự án Thủy điện Sơn La, thì một trận lũ lớn cuối mùa bất chợt ào về. Nước mấp mé mặt đê quai phía thượng lưu kênh dẫn dòng. Nước lên nhanh đến nỗi, đê đắp lên đến đâu, nước lên theo đến đấy, dừng một chút nước đã chực tràn đê. Nếu đê vỡ, không biết bao nhiêu người và máy móc đang làm việc dưới đê và mặt đê quai có thể bị nước cuốn trôi. Và ngày khởi công công trình chặn dòng đợt 1 sẽ phải lùi lại, thiệt hại không thể lường hết được. Cầm chiếc bánh mỳ trên tay, nhìn anh em dầm mưa cả ngày chống lũ mà ông Nê không thể nuốt nổi. Bởi nếu đê vỡ, bao công sức đổ cả xuống sông, ông tiếc công sức lao động của biết bao con người và lòng mong đợi của đất nước, của nhân dân. "Thời điểm đó, một số người lo cho tính mạng của tôi đã đề nghị tôi và một số lãnh đạo nhà thầu đang ở trên đê quai di chuyển sang vị trí khác an toàn hơn, nhưng lúc đó tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất là không thể lui bước trước thử thách cam go này" - ông Nê bồi hồi kể lại.

"Lúc đó tôi đứng ở đầu đê quai thượng để chỉ đạo và trấn an anh em, xe chở đất đá vào ra liên tục. Lòng quyết tâm cao độ của đội nhà thầu là lính công nhân Sông Đà, Trường Sơn đã thổi thêm niềm tin và sức mạnh để anh em thi công của cả các đơn vị khác ở lại cứu công trường, không để nước tràn đê. "Có một chuyện hy hữu, đó là khi đang thi công thì chiếc xe cẩu bị đứt xích nằm chắn ngang lối đi. Nhiều anh em thi công rất hoang mang chưa biết xử lý thế nào. Trong tình cảnh đó, tôi đã vội quyết định dùng một chiếc cẩu khác hất chiếc cẩu bị hỏng sang một bên. May sao, chiếc cần cẩu đã được sửa chữa khẩn trương và tự di chuyển được. Sau hơn 18 giờ chiến đấu cam go, với ý chí của toàn thể anh em cán bộ, nhân viên trên công trường, cuối cùng thì trời cũng thấu lòng người, lũ dữ đã được đẩy lùi, công trình vượt lũ an toàn trong gang tấc" - ông Nê chia sẻ.

Sáng tạo, đột phá và những quyết định táo bạo

Để công trình Thủy điện Sơn La về đích sớm trước 3 năm so với yêu cầu của Quốc hội, theo ông Nê đó là những đột phá và sáng tạo rất lớn của các lực lượng tham gia công trình. Nửa đời người gắn với các công trình thủy điện, ông Nê hiểu rõ và lường trước về khoảng "thời gian trống" trong giai đoạn chuẩn bị. "Thông thường nếu chờ thiết kế kỹ thuật hoàn chỉnh mới khởi công (2005) thì khoảng thời gian chờ đợi 2 năm sẽ là lãng phí. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, chúng tôi nhận thấy cần có cơ chế đặc thù đối với dự án". - ông Nê kể lại.

Khu vực trạm trộn bê tông Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ảnh: H.Hiếu

Từ trăn trở này, Ban Chỉ đạo Nhà nước cho phép phân kỳ thiết kế kỹ thuật làm 2 giai đoạn. Việc gì cần làm trước thì làm trong giai đoạn 1. Vậy là ngay trong năm 2004, kênh dẫn dòng đã được thi công trước ngày khởi công. Đến năm 2005, công trình Thủy điện Sơn La chính thức được khởi công thì các hạng mục dẫn dòng đã được hoàn tất. Ngày khởi công công trình cũng là ngày thực hiện ngăn sông - Điều chưa từng xảy ra với các thủy điện xây dựng trước đó. Cụ thể, với công trình Thủy điện Hòa Bình, năm 1979 khởi công mới bắt đầu xây dựng kênh dẫn dòng thì đến năm 1983 mới có thể tiến hành ngăn sông.

Trước khi xây dựng đập, đồng ý với đơn vị tư vấn - Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1, ông Nê đề nghị không sử dụng công nghệ bê tông đầm dùi, mà sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn.

Theo ông, công nghệ này đã được ứng dụng ở nhiều công trình lớn trên thế giới, có chất lượng cao, đồng đều hơn so với công nghệ đầm dùi, lại có thể thi công cường độ cao hơn sẽ đẩy nhanh tiến độ công trình.

Những  phân tích, mổ xẻ mang tính kỹ thuật chuyên sâu cho thấy, nếu như công nghệ đầm dùi cần 220kg xi măng trong 1m3 bê tông thì đầm lăn thì chỉ cần 60kg xi măng, còn lại là phụ gia hoạt tính như đất pozơlan hoặc tro bay. Nhưng loại đất này khá hiếm, tìm khắp miền Bắc không đâu có, chỉ có ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tìm thấy đất đã khó nhưng vận chuyển về còn khó hơn, vì khối lượng quá lớn, đường bộ, đường thủy đều rất khó khăn.

Trong lúc đó, chúng tôi đã nghĩ đến sử dụng tro bay từ các nhà máy nhiệt điện để làm phụ gia trơ, thay thế cho đất pozơlan. Thế giới người ta đã từng làm thế. Nhưng ở Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, tro bay được tạo từ than antraxit nên trong tro bay còn tới 20% lượng than chưa cháy hết, độ ẩm lại cao; trong khi đó tiêu chuẩn thế giới chỉ cho phép lượng than dưới 6%, tro bay phải khô, độ ẩm không quá 3%.

Đầu năm 2008 bắt đầu xây đập bê tông mà vẫn loay hoay chưa biết xử lý tro bay như thế nào. Nhưng ông Nê khi trả lời Thủ tướng, vẫn kiên định bảo vệ phương án thi công bằng bê tông đầm lăn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân truy vấn:
"Anh lấy tro bay đâu mà làm?"
"Thật là một câu hỏi toát mồ hôi"-  Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê nhớ lại.

Nhiều cách làm đã được thử nghiệm, nhưng vẫn không thành. Cuối cùng Ban quản lý công trình đã tổ chức một cơ sở nghiên cứu sản xuất, một mặt khuyến khích tư nhân sáng kiến sản xuất tro bay. Đại học Bách khoa nghiên cứu ra máy vắt, sau đó đưa ra sấy. Việc sản xuất tro bay đã được cơ giới hóa hoàn toàn, nhưng sản lượng vẫn thấp. Khi ấy một công ty ở Hải Dương cũng tiến hành sản xuất hàng loạt tro bay đạt tiêu chuẩn.

Nếu đổ bê tông thường như trước đây chỉ đạt 50 – 60 nghìn m3/ tháng thì đổ bê tông bằng công nghệ đầm lăn đạt 120 nghìn m3/ tháng, cao nhất có lúc được 180 nghìn m3/tháng. Đây là một cường độ cao,  rút ngắn thời gian thi công đập được 1 năm. Như vậy, cùng với việc thi công kênh dẫn dòng trước khi khởi công, áp dụng công nghệ đầm lăn đã giúp tiết kiệm được thời gian thi công công trình thêm 1 năm.

Không chỉ sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong thi công, việc thay đổi phương án lắp đặt thiết bị cũng đã được thực hiện. Quyết định lắp đặt 6 tổ máy thay vì 8 tổ như thiết kế ban đầu sẽ tiết kiệm được khối lượng lớn công việc và thời gian lắp máy. Tuy nhiên, do trọng lượng máy biến áp rất lớn, việc vận chuyển rất khó khăn. Lúc ấy, ông Nê tìm hiểu và được biết một số đơn vị đã vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng bằng cách làm những mô đun gồm rất nhiều bánh, ghép lại theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang, đặt một dàn cứng để trọng lượng chia đều xuống các bánh theo yêu cầu kéo từ triền sông lên bờ. Vậy là khó khăn trong việc vận chuyển máy biến áp đã được giải quyết. "Thông thường, lắp đặt 1 tổ máy phải mất 6 tháng, giảm được 2 tổ, chúng ta đã tiết kiệm được thời gian 1 năm thi công" - ông Nê cho biết.

Tại công trình xây dựng Thủy điện Sơn La, sáng kiến sử dụng cống dẫn dòng có kích thước 30 mét kết hợp làm tường phân dòng; cần cẩu chân què để thử khô của van…đều đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, giảm được khối lượng công việc, đưa công trình về đích sớm trước 3 năm so với yêu cầu của Quốc hội, đã mang lại lợi ích hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thay lời kết

Bây giờ, khi đã ở tuổi 80, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê vẫn làm việc 7 tiếng mỗi ngày. Cùng với việc theo dõi tiến độ, chất lượng công trình xây dựng Thủy điện Lai Châu, ông còn dành thời gian nguyên cứu điện hạt nhân và tiếp tục trăn trở với những câu chuyện của ngành Điện.

Với những người trẻ trong ngành, bằng cách nói mộc mạc, giản dị, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê nhắn nhủ: "Không có khi nào ngành Điện được thong thả đâu! Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm. Chúng ta có đủ điện là mừng, nhưng cái cần tập trung là hệ thống điện phải đảm bảo ổn định, chất lượng phải tốt hơn nhiều. Chúng ta không được tự mãn." Và ông nhẹ nhàng nhắc nhở: "Đừng nghĩ điện là của mình. Điện là của nhân dân. Chúng ta luôn hỏi làm thế nào để phục vụ nhân dân cho tốt? Vậy nói phải đi đôi với làm. Đã làm thì phải xả thân vì đất nước, vì nhân dân. Đã làm thì phải có cải tiến, sáng tạo...."

Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê nhấn mạnh, thành tích của công trình Thủy điện Sơn La là sự hội tụ sức mạnh từ các tập thể. Các tập thể đó là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1, BQLDA Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chủ đầu tư); Tổng công ty Sông Đà (tổng thầu), các nhà thầu phụ: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La - Điện Biên - Lai Châu, Bộ Giao thông Vận tải. Cuối cùng, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê mới đề cập đến Ban Chỉ đạo nhà nước về dự án Thủy điện Sơn La do ông là Phó trưởng ban.

Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh:
Kể từ ngày khởi công, công trình Thủy điện Sơn La đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Ban chỉ đạo Nhà nước, các ban ngành hữu quan và sự hướng tới, chia sẻ của nhân dân cả nước. Chính vì vậy, mọi trở ngại trong quá trình triển khai dự án đã được khẩn trương giải quyết, tháo gỡ…
… Công trình cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - người đã cả đời tâm huyết với sự nghiệp phát triển Điện lực Việt Nam. Với tư cách Phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước Công trình Thủy điện Sơn La - ông Thái Phụng Nê đã liên tục có mặt trên công trường thay mặt Ban chỉ đạo giao ban hàng tháng. Từ việc nắm rất sát các vướng mắc trên công trường, nên Ban chỉ đạo Nhà nước đã rất kịp thời, tích cực trong việc chỉ đạo các bộ, ban ngành liên quan giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án như những khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư, đấu thầu, lựa chọn thiết bị công nghệ.
(Nội dung trích từ bài viết: “Thành công từ những quyết định đúng đắn” - Sách Thủy điện Sơn La Trọn vẹn niềm tin)

 


  • 24/02/2015 01:28
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 12148


Gửi nhận xét