Anh công bố nghiên cứu chứng minh một số quốc gia có thể đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng điện từ các nhà máy điện mặt trời nổi

Nghiên cứu mới nhất nhằm tính toán tiềm năng toàn cầu của năng lượng mặt trời nổi, được thực hiện bởi Trung tâm sinh thái & Thủy văn Vương quốc Anh phối hợp với các trường đại học (ĐH) Bangor, ĐH Lancaster, công bố trên tạp chí Nature Water. Báo cáo này đã chỉ ra rằng, các nhà máy điện mặt trời nổi hoàn toàn thể tạo ra sản lượng điện đủ cung cấp cho toàn bộ nhu cầu điện của một số quốc gia.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán sản lượng điện có thể tạo ra hàng ngày từ các tấm quang điện được xây dựng và lắp đặt trên mặt nước (FPV - floating photovoltaic hay floatovoltaics) tại gần 68.000 hồ và hồ chứa trên khắp thế giới kết hợp với dữ liệu khí hậu có sẵn cho từng địa điểm.

Những hồ và hồ chứa được nghiên cứu sở hữu tiềm năng tốt nhất để có thể lắp đặt các tấm quang điện, đảm bảo cách trung tâm dân cư không quá 10 km, không nằm trong khu vực công được bảo vệ, không bị khô cạn và không bị đóng băng quá sáu tháng mỗi năm, sản lượng điện dự tính dựa trên  diện tích FPV được lắp đặt chỉ chiếm 10% diện tích bề mặt của hồ và hồ chứa, tối đa là 30 km2.

Kết quả cho thấy, dù sản lượng điện được tao ra sẽ dao động tùy theo độ cao, vĩ độ và đặc điểm mùa trong năm thì tiềm năng sản xuất điện hàng năm từ FPV trên các hồ và hồ chứa được nghiên cứu đạt ước tính là 1302 TWh, gấp khoảng 4 lần tổng nhu cầu điện hàng năm của Vương quốc Anh.

Các tấm quang điện được lắp đặt tại một hồ chứa tại địa điểm được ĐH Bangor sủ dụng để nghiên cứu 

Theo báo cáo trên, 3 quốc gia có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện của họ từ FPV, bao gồm Papua New Guinea, Ethiopia và Rwanda, 2 quốc gia là Bolivia và Tonga, lần lượt có thể đáp ứng 87% và 92% nhu cầu điện và hoàn toàn có thể tiến tới con số 100%.

Ngoài ra, báo cáo cũng khẳng định nhiều quốc gia - chủ yếu từ Châu Phi, Caribe, Nam Mỹ và Trung Á - có thể đáp ứng 40% đến 70% nhu cầu điện hàng năm của họ từ FPV.

Điện mặt trời nổi có một số lợi thế khác biệt so với việc lắp đặt năng lượng mặt trời trên đất liền, trong đó nổi bật là lắp đặt không yêu cầu không gian đất có giá trị, bởi có thể sử dụng trên các vùng nước, chẳng hạn như hồ chứa đập thủy điện, hồ xử lý nước thải hoặc hồ chứa nước uống, giúp tiết kiệm diện tích đất đai khan hiếm. Ngoài ra, việc lắp đặt các tấm quang điện trên mặt nước làm giảm nhu cầu chặt bỏ cây và phát quang rừng, việc lắp đặt trên mặt nước cũng giúp các tấm quang điện mát hơn, giúp chúng hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, FPV cũng mang tới một số lợi ích môi trường khác, cụ thể là cấu trúc của hệ thống FPV sẽ che bóng nước và giảm sự bốc hơi từ các ao, hồ và hồ chứa. Đây là một lợi ích đặc biệt hữu ích ở những khu vực dễ bị hạn hán, vì mất nước do bốc hơi góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nước.

Bóng râm được cung cấp bởi những tấm pin mặt trời nổi này cũng giúp giảm sự hiện diện của tảo trong các vùng nước, sự phát triển của tảo có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu chúng xảy ra trong nguồn nước uống, và cũng có thể dẫn đến nguy hại đến thực vật và động vật sống trong vùng nước đó.


  • 14/06/2024 10:04
  • Minh Thanh (theo renewableenergyworld.com)
  • 2824