An Giang: Thay bơm dầu bằng điện, làm nên các "mùa vàng"

An Giang đã trở thành tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng trên 3,5 triệu tấn lúa hàng hóa/năm nhờ việc đầu tư các trạm bơm  điện.

Trước năm 2008, các hộ nông dân trong  Tỉnh phải dùng máy bơm chạy dầu diesel để tưới tiêu rất tốn kém do giá dầu cao. Chủ trương thay dần trạm bơm dầu thành trạm bơm điện  được tỉnh An Giang thực hiện đầu tiên ở miền Nam và được cụ thể hóa bằng Đề án “Phát triển hệ thống trạm bơm điện giai đoạn 2008-2012” nhằm phục vụ tưới tiêu chủ động cho khoảng 80% diện tích sản xuất với mục tiêu hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm nước, chủ động được thời vụ, áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng và chủ động phòng chống thiên tai lũ lụt, hạn hán.

Trạm bơm điện ở An Giang - ảnh st

Đến nay sau gần 5 năm thực hiện, đã hoàn thành cung cấp điện cho 936 trạm bơm, nâng tổng số trạm bơm điện lên 1.496 trạm, tương ứng lưu lượng bơm khoảng 3 triệu m3/h và tổng công suất trạm biến áp gần 150.00 kVA, phục vụ tưới tiêu gần 255.371 ha, đạt 91,22% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh và tỉ lệ diện tích được bơm tưới bằng điện đã tăng thêm 12% so với kế hoạch ban đầu.

Ông Phạm Ngọc Lễ - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, Công ty Điện lực An Giang đã hoàn thành khối lượng xây dựng mới 356 km đường dây 22 kV, 936 trạm biến áp phân phối có tổng dung lượng 90.555 kVA tương ứng số vốn 171 tỷ đồng để phục vụ bơm tưới cho 164.598 ha đất sản xuất lúa.

Việc đầu tư các trạm bơm điện thật sự là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân  với mục đích hỗ trợ người nông dân có thêm năng lực sản xuất và tạo sức bật cạnh tranh về hàng hóa. Khi đưa vào vận hành hệ thống trạm bơm điện cũng sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh của ngành Điện do giá bán điện cho các trạm bơm nông nghiệp còn rất thấp (bình quân thấp hơn khoảng 300 đ/kWh so với giá điện hiện hành).

So với bơm bằng máy nổ sử dụng dầu diesel, bơm điện mang lại hiệu quả kinh tế từ việc tiết kiệm đáng kể các chi phí, làm gia tăng lợi nhuận hàng năm cho người nông dân An Giang thêm trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các trạm bơm điện còn có khả năng đáp ứng nhanh nên chủ động được lịch thời vụ, xuống giống tập trung tránh rầy, khống chế được dịch hại.


  • 06/09/2012 02:32
  • Theo Chinhphu.vn
  • 3554