Alstom cung cấp thiết bị cho Thủy điện Sơn La

Khi ký hợp đồng cung cấp thiết bị cơ điện cho Nhà máy Thủy điện Sơn La, có lẽ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không ngờ rằng, việc lựa chọn Alstom, một tên tuổi mặc dù rất nổi tiếng trên thế giới, nhưng chưa hẳn đã quen thuộc với các công trình thủy điện lớn trước đó của Việt Nam, lại mang tới kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi.

Bước ngoặt quan trọng

Lắp đặt tổ hợp thiết bị cơ điện của Alstom tại Công trình Thủy điện Sơn La

Ngày 1/10/2007, hợp đồng cung cấp thiết bị cơ điện cho Nhà máy Thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, trị giá gần 190 triệu EUR đã được ông Philippe Cochet, Tổng giám đốc Alstom Hydro và ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN ký kết tại Paris, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hoà Pháp Francois Fillon và ông Patrick Kron, Chủ tịch Tập đoàn Alstom.

Trước đó, vào thời điểm năm 2006, cùng với các nhà thầu khác, Alstom cũng đã khởi động một vài hội thảo liên quan đến công trình Thủy điện Sơn La. Đáng chú ý là, lâu nay, Alstom toàn cấp hàng từ Pháp. Còn giai đoạn 2003 - 2004, Alstom chào thiết bị được cung cấp từ Nhà máy Alstom Brazil. Nhưng do khoảng cách xa, việc vận chuyển khá phức tạp, nên một số dự án điện tại Việt Nam mà Alstom tham gia chào hàng trước thời điểm tham gia Sơn La cũng chưa thành công.

“Rất may mắn là, tới thời điểm chuẩn bị lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cơ điện cho Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Alstom Thiên Tân đặt tại Thiên Tân (Trung Quốc) vốn đang đầy đơn hàng của Thủy điện Tam Hiệp và một số thủy điện khác cùng ở Trung Quốc bỗng dưng có một khoảng rảnh nhất định. Cộng thêm vào năm 2006, Alstom Thiên Tân đã trúng thầu cung cấp thiết bị cơ điện cho Dự án Nhà máy Thủy điện Sê San 4, công suất 360 MW cũng do EVN làm chủ đầu tư, nên các bên Alstom cũng nhiệt tình hơn để vào cuộc với Dự án Thủy điện Sơn La”, ông Lâm Minh, Giám đốc kinh doanh Alstom Power nhớ lại.

Từ đó, Alstom đã khởi động dự án Thủy điện Sơn La với mục tiêu cung cấp thiết bị từ Nhà máy Alstom Thiên Tân, còn việc quản lý, quy trình, quy phạm do Alstom Pháp đảm nhận và đứng đầu tổ hợp.

Bắt tay vào việc với thời gian không còn nhiều (chỉ từ đầu năm 2006 đến giữa năm 2007), nhưng với quyết tâm, các bên Alstom đã rất khẩn trương. Và kết quả mở thầu thật bất ngờ. Gói thầu của liên danh các bên Alstom do Alstom Hydro Pháp đứng đầu, Alstom Thiên Tân là nhà chế tạo thiết bị chính hấp dẫn nhất so với các nhà thầu Trung Quốc, Nga. Ở thời điểm đó, sự có mặt của Alstom Hydro Pháp đứng đầu liên danh đã giúp mọi người tin tưởng hơn, bởi nói đến Alstom Thiên Tân, thì chưa nhiều người biết, dù đây là nhà cung cấp nhiều thiết bị cơ điện cho Nhà máy Thủy điện Tam Hiệp.

Trước đó, không ít người đã tin rằng, các nhà cung cấp thiết bị cơ điện đến từ Nga sẽ là ứng cử viên nặng ký trên đường đua, bởi các công trình lớn về thủy điện, như Hòa Bình, Yaly đều dùng thiết bị từ Nga, vốn được mệnh danh là “nồi đồng, cối đá”. Nhưng so với gói thầu của Alstom, thiết bị của nhà thầu Nga cao hơn khoảng 30%.

Hợp sức về đích

Nhận xét về một trong những nguyên nhân khiến các tổ máy của Thủy điện Sơn La được thi công nhanh, về đích sớm hơn dự định ban đầu, ông Lâm Minh cho hay, ngay khi biết mình được đánh giá thầu tốt nhất, các bên Alstom tham gia trong liên danh đã ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị dự án, dù từ thời điểm chào thầu đến khi hợp đồng có hiệu lực cách nhau khoảng 1 năm. Sự khẩn trương này đã giúp Alstom quản lý được công việc, bởi thời điểm sau khi Alstom trúng thầu dự án Thủy điện Sơn La, giá nguyên vật liệu cho thị trường chế tạo cơ khí đã tăng nóng trở lại.

Cũng bởi có chuẩn bị trước, nên khi nhận được yêu cầu từ phía chủ đầu tư là EVN trong việc giao hàng sớm, Alstom đã có thể đáp ứng kịp thời.

Nỗ lực này cũng được Ban chỉ đạo Nhà nước công trình Thủy điện Sơn La và EVN ghi nhận, bởi thực tế, các thiết bị siêu trường, siêu trọng không thể vận chuyển bằng đường bộ từ Cảng Hải Phòng lên Sơn La, mà chỉ có thể đi đường thủy ngược sông Đà, tăng bo qua chính đập Thủy điện Hòa Bình, rồi ngược lên Sơn La. Vì vậy, nếu tính toán giữa các bên về thời gian chế tạo, vận chuyển thiết bị về cảng Việt Nam, thời điểm xả nước hồ Sơn La đủ để xà lan di chuyển ngược trên sông Đà không khớp, thì nỗ lực của các bên cũng như muối bỏ bể. Trong khi ấy, cứ một tổ máy phát điện sớm ngày nào, chủ đầu tư được lợi ngày ấy.

Không chỉ nỗ lực giao hàng sớm theo yêu cầu của EVN, trong câu chuyện được nhiều thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước, hay ông Bùi Thức Khiết, một lão làng trong Tổ chuyên gia tư vấn cho Dự án, các chuyên gia điện ở Bộ Công thương và đặc biệt là ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN nhắc tới, đều đánh giá cao Alstom  về tinh thần hợp tác ở mức cao nhất. Đối với các công trình nhà máy điện, trục trặc khi nghiệm thu thiết bị là điều thường xảy ra, nên những cố gắng giải quyết sự cố nhằm đưa nhà máy vào vận hành sớm nhất của Alstom đã được chủ đầu tư khen ngợi. Ấy là, ở thời điểm vừa khởi động Tổ máy số 1, do bộ phận gối đỡ  của tổ máy bị cháy, máy phải dừng lại. Câu hỏi “mất bao nhiêu thời gian để khắc phục sự cố này: 1 tháng, 2 tháng, hay lâu hơn?” luôn thường trực trong những người gắn bó với Sơn La khi đó.

Ngay khi nhận được báo cáo sự cố vào buổi sáng, buổi chiều cùng ngày, Giám đốc Nhà máy Alstom Thiên Tân đã có cuộc họp khẩn, kiểm tra lại thiết kế. Quyết định được đưa ra và thực hiện ngay lập tức, sau đó là mang  gối đỡ của Tổ máy số 4 lên máy tiện. Sau hoàn chỉnh gia công, chi tiết này cũng ngay lập tức trở thành hành khách đặc biệt trên chuyến ô tô tốc hành với chặng đường 4.000 km, xuyên đất nước Trung Quốc, từ Thiên Tân về tới cửa khẩu Việt Nam chỉ trong 2 ngày.

Thế mà, Giám đốc Nhà máy Alstom Thiên Tân vẫn chưa hài lòng, bởi so với dự tính, xe đến biên giới vẫn trễ hơn 2 tiếng đồng hồ. 

Kết quả là, chỉ trong vòng 18 ngày từ khi có sự cố, tổ máy số 1 của Sơn La đã khôi phục được hoạt động bình thường để hoà điện lên lưới vào ngày 17/12/2010, bổ sung thêm 400 MW vàng cho EVN trước khi bước vào mùa khô năm 2011.

Nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm sau này kể lại, thông thường, khi xảy ra lỗi lớn như vậy, các nhà thầu đầu tiên sẽ họp để xem lỗi của ai, sau đó mới bàn bạc xem xử lý thế nào, mất bao nhiêu thời gian, chi phí ra sao? Một quy trình chuẩn như vậy, sẽ khó có ai trách cứ được, ngoại trừ chủ đầu tư bị thiệt hại lớn, nhất là với nhà máy thủy điện, xong sớm ngày nào phát điện sớm ngày đó.

Trong những lần lên công trình Thủy điện Sơn La trước đây, chúng tôi cũng được gặp anh Gao Xuejun, Giám đốc Dự án Sơn La của Alstom. Đã trải qua một số công trình thủy điện lớn ở Trung Quốc, nhưng tới Việt Nam, làm Sơn La, anh Gao gần như dồn hết sức lực và tâm trí vào công trình này. Những cộng sự đến từ Lilama, hay EVN vẫn chưa quên Giám đốc Dự án Sơn La của Alstom lắm đêm chỉ vắng mặt 2 tiếng để ngủ, rồi lại có mặt trên công trường để giám sát công việc, với tâm niệm “làm sao có kết quả tốt nhất”.

“Giải quyết nhanh nhất trong khả năng có thể”, hay sự tận tụy của các chuyên gia, ban điều hành của Alstom trên công trường Thủy điện Sơn La, cũng như các nhà thầu khác vì mục tiêu dòng điện Sơn La cũng xoá đi những ranh giới thường thấy giữa chủ đầu tư và nhà thầu, giúp mọi người gắn kết hơn với cảm giác cùng chung một mục tiêu sớm phát điện.

Bén rễ xanh tươi

Ký được hợp đồng cung cấp thiết bị cơ điện cho nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vui một, thì ngày hoà thành công tổ máy cuối cùng lên lưới điện, sớm 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội, niềm vui ấy với Alstom được nhân lên nhiều lần. “Thực sự, chúng tôi không ngờ, dự án lại thành công như vậy”, ông Lâm Minh nói và chia sẻ thêm, đây là dự án tốt với Alstom, cả về uy tín lẫn các mặt quản lý dự án hay hiệu quả kinh tế.

Thành công ở Sơn La ngay lập tức nâng uy tín của Alstom với EVN nói riêng, với nhiều chủ đầu tư dự án điện nói chung lên tầm cao mới. Việc chọn Alstom tiếp tục là nhà cung cấp thiết bị cơ điện cho Dự án Thủy điện Lai Châu, bậc thang trên của Sơn La với quy mô 3 tổ máy, công suất 400 MW/tổ máy (tương tự quy mô tổ máy tại Sơn La) chỉ còn là ngày một, ngày hai.

Nhưng không nhiều người biết rằng, trước khi thành công với thủy điện, Alstom đã rất thành công trong lĩnh vực nhiệt điện khí tại Việt Nam, với việc cung cấp tua bin khí, đuôi hơi cho nhiều dự án tại Trung tâm Điện lực Phú Mỹ quy mô 3.800 MW tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hơn thế, thành công của dự án Thủy điện Sơn La đã mở ra cơ hội mới cho Alstom tại Việt Nam, điều đó cũng góp phần khẳng định thêm niềm tin của ban lãnh đạo tập đoàn vào thị trường này, và với cam kết dài hạn tại Việt Nam, Alstom đã hiện thực hóa ý tưởng tạo dựng liên doanh với EVN tại Việt Nam để cung cấp các dịch vụ sửa chữa tua-bin khí cho Việt Nam và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  Được nhen nhóm từ năm 2006, tới giữa tháng 5/2012, hợp đồng liên doanh giữa EVN và Alstom đã được ký kết, đánh dấu sự có mặt sâu rộng hơn của Alstom tại Việt Nam.

Đây được xem là quyết định mang tính chiến lược của Alstom với thị trường Việt Nam. Không chỉ chuyển giao các công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao, sự có mặt của một công ty đa quốc gia trong ngành chế tạo cơ khí thế giới như Alstom cũng mở thêm cơ hội mới để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vốn chưa phát triển của Việt Nam.


  • 04/01/2013 08:58
  • Theo Báo Đầu tư
  • 6261


Gửi nhận xét