9 dự án JCM ở Việt Nam được cấp tín chỉ carbon

Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2013– 2020.

Cụ thể đó là các dự án: Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời ở các trung tâm thương mại tại TP. Hồ Chí Minh; Lái xe sinh thái thông qua sử dụng bộ đo tốc độ điện tử; Sử dụng biến áp lõi thép vô định hình hiệu năng cao trong hệ thống truyền tải điện năng ở miền Nam Việt Nam; Lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên mạng lưới phân phối điện tại khu vực miền Trung và miền Nam;

Bên cạnh đó còn có các dự án: Đề xuất lắp đặt máy điều hòa tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH sản phẩm RICOH Imaging Việt Nam; Lắp ráp vỏ bình ắc quy tại nhà máy ắc quy axit chì của Công ty TNHH Công nghệ năng lượng hóa học Hitachi Việt Nam; Lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng tại nhà máy ống kính; Đề xuất lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên mạng lưới phân phối điện tại khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam; Lắp đặt máy bện dây cáp tiết kiệm năng lượng tại nhà máy Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết triển khai Cơ chế JCM từ năm 2013, gia hạn vào năm 2017 với thời hạn thực hiện đến hết năm 2020. Trong thời gian qua, Ủy ban hỗn hợp đã phê duyệt 15 phương pháp luận. 14 dự án JCM đã được đăng ký tại Việt Nam, trong đó, 8 dự án đã được cấp tổng cộng 4.115 tín chỉ. Để tiếp tục triển khai JCM trong giai đoạn sau, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp vào năm 2021.

Cũng như Nhật Bản, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã nghiêm túc triển khai cam kết này. Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có hiệu lực từ 2021. Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon và sẽ thí điểm từ năm 2025, chính thức hoạt động từ năm 2028. “Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý về tín chỉ carbon, và những thí điểm, thử nghiệm trong cơ chế JCM đã được luật định. Công việc cần làm tiếp theo là hoàn thiện cơ sở pháp lý để cơ chế JCM có thể hoạt động hiệu quả theo các quy định của luật hiện hành” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản, tín chỉ cấp cho các dự án này dựa trên kết quả giảm phát thải trước năm 2021 nên sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm phát thải bắt buộc của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 theo Thỏa thuận Paris.

Cơ chế JCM do Chính phủ Nhật Bản đề xuất từ năm 2013. Hiện nay, đã có 29 quốc gia tham gia Cơ chế JCM với Nhật Bản và các Bên đã phê duyệt 101 phương pháp luận (gồm 99 phương pháp luận thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, 2 phương pháp luận về REDD+. Một số phương pháp luận có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực).

83 dự án được đăng ký, trong đó có 41 dự án đã được cấp tín chỉ carbon với tổng lượng 739.411 tín chỉ carbon.

Link gốc


  • 04/11/2024 02:09
  • Theo kinhtemoitruong.vn
  • 2509