3.000 tỉ đồng đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân

Cục Năng lượng Nguyên tử - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đến cuối năm 2013, tổng nhân lực ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam là 585 người, trong đó có hơn 400 cử nhân và 30 tiến sĩ. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cần phải có hơn 1.000 người làm việc trong các tổ chức nghiên cứu hoặc đảm nhận chức vụ quản lý, 2.400 cử nhân/kỹ sư, 1.000 chuyên viên kỹ thuật và 350 nhà nghiên cứu.

Khát nhân lực

Tại Diễn đàn quốc tế AtomExpo 2014 vừa diễn ra vào trung tuần tháng 6, TS Trịnh Quang Thông - Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, phát triển nhân lực điện hạt nhân là một quá trình dài, nhiều nỗ lực, đòi hỏi phải lập kế hoạch, chuẩn bị từ trước đó, do đây là ngành công nghiệp phức tạp. Sau khi đề án phát triển điện hạt nhân năm 2007 được thông qua, Chính phủ Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tích cực để phát triển nhân sự cho ngành này.

Phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân tại Việt Nam đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn - Ảnh: Vũ Lam

Cụ thể, tháng 8/2010, Chính phủ thông qua Đề án 1558, ưu tiên đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân trong 10 năm, để mỗi năm có thêm khoảng 260 học viên chuyên ngành hạt nhân vào học tại 7 trường đại học trong nước hoặc gửi ra nước ngoài, với tổng kinh phí 3.000 tỉ đồng. Theo biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga Rosatom (ký ngày 5/6/2012), Rosatom sẽ hỗ trợ đào tạo chuyên gia cho Việt Nam.

Ông V.Karezin - Giám đốc dự án giáo dục của Rosatom cho biết, tính đến nay đã có 268 sinh viên Việt Nam được đào tạo chuyên ngành dài hạn tại Nga. Dự kiến năm 2014, phía Nga sẽ đón tiếp 348 sinh viên Việt Nam. Chi phí khóa học được Chính phủ Nga đài thọ. Ngoài ra, các sinh viên theo học ngành này còn nhận được học bổng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Chính phủ Việt Nam. 

Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến sẽ đổ mẻ bê tông đầu tiên vào năm 2017 - 2018 và hoàn thành năm 2023 - 2024. Hơn 100 chuyên gia Việt Nam khác cũng đã tham dự các chương trình tu nghiệp tại các nhà máy điện hạt nhân đang được Rosatom xây dựng tại Nga trong năm 2013.

Ông Valeriy Kedrov, Phó kỹ sư trưởng của Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế Atomenergoproekt tại Saint - Petersburg, cho biết: “Công tác đào tạo cán bộ nhân viên, kể cả cán bộ nghiên cứu không trực tiếp tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân tại các cơ sở giáo dục của Nga là một lựa chọn tốt”. Bởi Nga là tổng thầu cung cấp công nghệ và xây dựng cho Dự án xây dựng nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Để phối hợp với chủ đầu tư là EVN, Rosatom cũng đã tổ chức các đợt thực tập tại các công trường xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân tại Rostov (Nga) cho hơn 100 chuyên viên Việt Nam. Sắp tới, Rosatom sẽ mở một cơ sở đào tạo tại Vladivostok và đang trao đổi với Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Việt Nam (Vinatom) về vấn đề này.

Giải bài toán khó

Trong buổi tọa đàm “Hợp tác toàn cầu về phát triển nhân lực hạt nhân” tại diễn đàn AtomExpo 2014, TS Trịnh Quang Thông còn cho hay, hình thức hợp tác đào tạo giữa Nga và Việt Nam đa dạng, nhưng đào tạo thực hành là quan trọng nhất. Hiện nay, có ba hình thức đề xuất hợp tác đào tạo chính, lần lượt là đào tạo sinh viên, đào tạo giảng viên và hỗ trợ giáo trình.

Khóa đào tạo sinh viên áp dụng đối với sinh viên năm thứ 3 hoặc trước khi làm khóa luận, bao gồm khóa học 2 - 4 tuần tại Nga, với một nửa thời gian nghe giảng về công nghệ lò phản ứng và một nửa thời gian đi thực tế tại nhà máy điện hạt nhân tại Nga ở các giai đoạn từ xây dựng đến vận hành. Sinh viên phải hiểu về các ứng dụng an toàn trong nhà máy, làm việc cùng các giáo sư, chuyên gia và mô hình thực tiễn, nhờ đó giúp họ duy trì niềm đam mê nghề nghiệp.

Vừa kết hợp lý thuyết với thực hành khi đào tạo nhân lực điện hạt nhân

Khóa đào tạo giảng viên kéo dài từ 2 - 4 tuần tại Nga với việc cử các giảng viên trẻ và đội ngũ trợ giảng của trường tham dự hội thảo lý thuyết, thực hành, và các khóa đào tạo chuyên môn. Sau chương trình, các cán bộ sẽ có kinh nghiệm đứng lớp.

Để hoàn thiện giáo trình và thúc đẩy trao đổi thông tin giữa Nga và các trường đại học tại Việt Nam, ban cố vấn quốc tế gồm các chuyên gia Nga sẽ được thành lập để rà soát, hiệu đính, bổ sung và hoàn thiện giáo trình của Việt Nam phù hợp với nhu cầu giảng dạy thực tiễn và khoa học công nghệ tiên tiến hiện nay.

TS Trịnh Quang Thông cũng chỉ ra một số lưu ý về khác biệt văn hóa như rào cản ngoại ngữ, phương pháp tư duy, tính tuân thủ luật pháp và khả năng tiếp nhận phản biện của sinh viên Việt Nam. Vượt qua những trở ngại này, việc phát triển nhân lực đóng góp cho chính sách phát triển điện hạt nhân của Việt Nam sẽ thành công.

Yêu cầu đặt ra đối với ngành công nghiệp năng lượng nguyên tử ở Việt Nam không chỉ là áp dụng công nghệ hiện đại, phù hợp và an toàn cao nhất mà còn đòi hỏi một đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu chuyển giao công nghệ, xây dựng và vận hành nhà máy. Vì vậy, ngoài việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng chuyên gia, đưa nguồn nhân lực đi đào tạo tại nước ngoài, Việt Nam đã và đang chuẩn bị môi trường đào tạo tốt ở trong nước để sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ trong tương lai của ngành năng lượng Việt Nam.


  • 15/07/2014 04:06
  • Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
  • 3753


Gửi nhận xét