2,22 tỷ m3 nước được xả phục vụ nông nghiệp trong Đợt 2

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, sau khi kết thúc lấy nước Đợt 2 (từ 0h ngày 30/1 đến 24h ngày 5/2/2015) khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã có 552.977 ha (chiếm 86,6%) tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch có nước.

Trước đó, Bộ NN&PTNT cùng với EVN đã thống nhất Đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2014-2015, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ được thực hiện từ 0h ngày 30/1 đến 24h ngày 7/2/2015. Tuy nhiên, do tiến độ lấy nước tăng vượt dự kiến nên Bộ NN&PTNT và EVN thống nhất rút ngắn 2 ngày, đến 24h ngày 5/2/2015.

Trên 86% diện tích gieo cấy lúa khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã có nước - Ảnh: Internet

Theo Tổng cục Thủy lợi, trong thời gian cấp nước phục vụ nông nghiệp, mực nước hạ du sông Hồng được duy trì bảo đảm yêu cầu, trung bình toàn Đợt 2 là 2,3 mét (quy định 2,2 mét), mực nước lớn nhất đạt 2,56 mét. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong Đợt 2 là 2,22 tỷ m3 nước. So với năm 2014, với cùng mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội, mực nước tại thượng lưu một số công trình thủy lợi tăng cao hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để các hệ thống thủy lợi lấy nước.

Hiện tại đã có 1/12 địa phương hoàn thành kế hoạch lấy nước (Hà Nam), 6/12 địa phương có diện tích đủ nước đạt trên 90% kế hoạch (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình). Các địa phương còn lại có diện tích đủ nước như sau: Hưng Yên 89,7%, Hải Dương 87,1%, Hà Nội 74,7%, Bắc Ninh 66,9%, Bắc Giang 51,9%. Trong đó, tỉnh Bắc Giang có diện tích tưới phụ thuộc vào nguồn bổ sung từ các hồ chứa thủy điện không lớn (khoảng 10.000 ha), các vùng này cũng đạt tỷ lệ đủ nước cao. Tỉnh Bắc Ninh và Thành phố Hà Nội có diện tích đủ nước so với cùng kỳ năm 2014 tăng đáng kể (Bắc Ninh tăng 24%, Hà Nội tăng 20%).   

Để có được kết quả đáng mừng trên, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Trong thời gian lấy nước Đợt 2, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp chặt chẽ với EVN, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông trong việc cung cấp thông tin điều hành xả nước, lấy nước và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường việc tập trung lấy nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, do tiến độ lấy nước của các địa phương vượt kế hoạch dự kiến, để bảo đảm tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với EVN giảm thời gian lấy nước 3 ngày (2 ngày cuối Đợt 2 và 1 ngày cuối Đợt 3). Thông tin rút ngắn thời gian xả nước được Tổng cục Thủy lợi thông báo kịp thời để các cơ quan, đơn vị và các địa phương điều chỉnh kế hoạch lấy nước kịp thời, chủ động. Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tình hình lấy nước tại các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định.

Tuy vậy, theo ông Tỉnh, để thúc đẩy tiến độ lấy nước đổ ải, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương cần hoàn thành thu hoạch các diện tích cây vụ Đông, tận dụng nguồn nước của Đợt 3 để làm đất, phục vụ gieo cấy các khu vực còn lại. Tiếp tục tranh thủ vận hành các phương tiện lấy nước, đưa nước lên ruộng trong thời gian trước Đợt 3 nếu có điều kiện về nguồn nước, nhất là các địa phương đang có diện tích lấy nước chưa cao như Bắc Ninh, Hà Nội. Đồng thời, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng lúa. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp với các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan tranh thủ lấy nước và quản lý nước chặt chẽ, hiệu quả.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, trước Đợt 3 lấy nước, Tổng cục sẽ có Công điện gửi các địa phương liên quan để thúc đẩy tiến độ lấy nước, bảo đảm hoàn thành kế hoạch lấy nước đổ ải trong Đợt 3 lấy nước.

Bảng tổng hợp diện tích có nước của các địa phương sau khi kết thúc Đợt 2

STT

Địa phương

Tổng diện tích cần nước (ha)

Diện tích đã có nước (ha)

Đạt được so với kế hoạch (%)

1

Phú Thọ

     36.250  

33.983

       93,8  

2

Bắc Giang

     52.200  

27.111

       51,9  

3

Vĩnh Phúc

     34.510  

32620

       94,5

4

Bắc Ninh

     36.000  

24096

       66,9

5

Hà Nội

     99.600  

74.430

       74,7  

6

Hà Nam

     32.678  

32.678

     100

7

Hưng Yên

     38.331  

34.998

       89,7  

8

Hải Dương

     63.000  

55.241

       88,7  

9

Hải Phòng

     37.200  

35.430

       95,2  

10

Thái Bình

     80.151  

73.607

       91,8  

11

Nam Định

     80.336  

73.139

91,0

12

Ninh Bình

     41.585  

39.216

94,3

 

T.cộng/trung bình

   631.841  

552.977

      86,8  

 


  • 08/02/2015 08:37
  • Xuân Tiến
  • 3568


Gửi nhận xét