2016 “Được mùa” điện nông thôn, hải đảo…

Năm 2016, mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, cũng như điều kiện thời tiết bất lợi, EVN vẫn thực hiện thành công nhiều dự án đưa điện lưới quốc gia về nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần phát triển kinh tế các địa phương.

Tiếp tục vươn ra đảo xa

Kết thúc năm 2016, EVN đã hoàn thành nhiều dự án đưa điện lưới quốc gia ra các xã đảo, góp phần đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền biển đảo. 

Cụ thể, Tập đoàn đã hoàn thành Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà - xã đảo cuối cùng của tỉnh Quảng Ninh vào tháng 4/2016; Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vào tháng 9/2016; và gần đây nhất, tháng 11/2016, EVN cũng đã hoàn thành công trình đưa điện ra đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Dự án có đường dây cao áp trên không 110 kV vượt biển dài nhất Việt Nam (24,5 km). 

Các dự án đưa điện lưới quốc gia ra các vùng biển đảo đều có điều kiện thi công rất phức tạp, thời tiết biển khắc nghiệt; việc vận chuyển vật tư, thiết bị gặp nhiều khó khăn... Do vậy, để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, chủ đầu tư và các nhà thầu phải tranh thủ tăng ca, tăng nhân lực thi công ngày, đêm khi thời tiết cho phép, bù lại thời gian biển động không thi công được. 

Việc huy động vốn cho các dự án cũng là một thách thức không nhỏ. Bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ, EVN còn huy động nguồn vốn theo hình thức xã hội hóa: Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia đầu tư. Nhờ đó, các dự án đưa điện lưới ra đảo đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, tạo đà cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Ông Nguyễn Sơn Hà - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Cái Chiên (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, trước đây, bà con trên đảo chưa bao giờ nghĩ đến được hưởng lợi ích từ du lịch. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, khi có điện lưới quốc gia, du khách khắp nơi đã nườm nượp đổ ra đảo. Tiềm năng của hòn đảo xinh đẹp và hoang sơ này được đánh thức, nhiều hoạt động văn hóa - du lịch trên đảo được tổ chức. Cuộc sống của người dân trên đảo vì vậy cũng từng bước được cải thiện. 

Năm 2016, EVN đã hoàn thành nhiều dự án điện nông thôn, hải đảo

“Đặc biệt, ngoài phát triển kinh tế, có điện, việc phối hợp giữa các lực lượng dân phòng, bộ đội, công an… cũng trở lên thuận lợi, nhịp nhàng và đồng bộ hơn, góp phần đảm bảo an ninh chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc”, ông Hà cho biết.    

Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp (tỉnh Quảng Nam), trước đây hầu như người dân trên đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản là chính, sau khi có điện lưới quốc gia, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang làm du lịch, thu nhập tăng lên đáng kể. Hiện nay chính quyền và người dân trên đảo đang nỗ lực giữ gìn môi trường trong sạch, phát triển du lịch bền vững.

Nỗ lực của EVN trong việc đưa điện lưới quốc gia ra các đảo đã và đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển đảo, xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ tiền tiêu vững chắc, bảo vệ chủ quyền an ninh của Tổ quốc. Hiện nay, những đảo chưa được đầu tư điện lưới chủ yếu là do khoảng cách quá xa đất liền, không thể kéo được điện lưới mà phải huy động các nguồn điện tại chỗ như máy phát điện diezel, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... EVN cũng đã và đang từng bước tiếp quản việc quản lý và vận hành hệ thống điện trên các đảo này.

Thắp sáng nhiều bản làng

Năm 2016, EVN cũng thực hiện thành công nhiều dự án đưa điện về nông thôn, lưới điện quốc gia tiếp tục vươn xa, thắp sáng những xã/bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. 

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã hoàn thành Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Được triển khai từ năm 2009, đến năm 2016, Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, cấp điện cho gần 35.000 hộ dân ở Trà Vinh, nâng tổng số hộ dân có điện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh lên 98,48% và 45.308 hộ dân ở Sóc Trăng có điện, đưa tỷ lệ hộ dân có điện ở tỉnh Sóc Trăng lên 99,4%. 

Đánh giá về Dự án này, ông Ngô Minh Trạng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Dự án không chỉ cung cấp điện sinh hoạt, nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tạo nguyên liệu cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh mỗi năm đạt khoảng 450 triệu USD”.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cũng hoàn thành nhiều dự án cấp điện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình...

Là xã biên giới cuối cùng của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có điện lưới quốc gia vào tháng 8/2016, ông Riah Jel - Phó chủ tịch UBND xã Chơ Chun hồ hởi kể, điện quốc gia đã giúp nhân dân tiếp cận với tiến bộ KHCN, tạo động lực phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được nâng cao. 

Các hộ dân đồng bào Khmer tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã đổi thay từ khi có điện lưới quốc gia

Gỡ khó vốn, khởi công nhiều dự án

Giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm, để triển khai các dự án đưa điện về nông thôn, EVN cần khoảng 2.000 tỷ đồng từ Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong năm 2016, số vốn được giải ngân mới chỉ đạt 110 tỷ đồng. Chính vì vậy, để các dự án triển khai đúng tiến độ, đáp ứng mục tiêu đề ra là thách thức không nhỏ đối với Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. 

Đứng trước những khó khăn đó, bên cạnh việc tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị đã sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản, sữa chữa lớn, tìm kiếm các nguồn vốn vay ODA của các tổ chức tài chính nước ngoài..., khởi công nhiều dự án đưa điện lưới quốc gia về vùng nông thôn.

Ông Bùi Thế Huy - Phó Trưởng ban Kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, trong năm 2016, EVNSPC được bố trí vốn từ Ngân sách nhà nước cho 2 dự án, cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho tỉnh Cà Mau và Hậu Giang, mỗi dự án khoảng 20 tỷ đồng. Đây là số tiền khá ít so với tổng mức đầu tư của hai dự án này (Cà Mau là 892 tỷ đồng, Hậu Giang là 483 tỷ đồng), nên việc bố trí vốn đối ứng (giá trị tương đương 15%) của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, ngay sau khi được cấp vốn, EVNSPC đã tiến hành giai đoạn 1 của các dự án theo phương pháp cuốn chiếu, thi công hoàn thiện đến đâu người dân sẽ có điện sử dụng ngay đến đó. 

Năm 2016, EVNNPC đã khởi công gói thầu Xây lắp đường dây trung áp, hạ áp và TBA xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; Dự án cấp điện lưới quốc gia cho các thôn bản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; EVNCPC khởi công Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020...

Đánh giá cao nỗ lực của ngành Điện, ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc đầu tư các dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã khó khăn của Thái Nguyên.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa của Việt Nam là thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được. 

Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhưng xác định đưa điện về các xã/bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, EVN đã và đang tiếp tục triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đến năm 2020, hầu hết 100% số hộ dân được sử dụng điện. 

Tính đến cuối năm 2016, EVN đã:

- Đưa điện lưới quốc gia tới 99,96% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn.
- Đảm bảo cấp điện cho 10/12 huyện đảo.


 


  • 27/01/2017 10:27
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 10330