2013 - Năm bản lề cho việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về điện hạt nhân ở Việt Nam

Năm 2013 ghi dấu nhiều bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV đã trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Hoàng Anh Tuấn

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có thể giải thích rõ hơn: Thế nào là năm bản lề cho việc hoàn thiện hệ thống pháp lý cơ bản về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Cuối năm 2012, Đoàn công tác của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA đã đến làm việc tại Việt Nam, đánh giá tình hình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Kết quả, Đoàn đã đưa ra 42 khuyến cáo, 7 vấn đề trọng tâm cho Việt Nam để hoàn thiện các văn bản, quy phạm pháp luật về điện hạt nhân. Trên cơ sở đó, đầu năm 2013, Bộ Khoa học & Công nghệ đã rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình, kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đến năm 2020.

Trước mắt, một số nghị định, quyết định về phát triển điện hạt nhân như, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, di dân tái định cư… đã được Chính phủ ban hành trong năm qua. Đáng chú ý, trong đó có Đề án Thông tin tuyên truyền và yêu cầu có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan truyền thông về điện hạt nhân. Như vậy, có thể khẳng định rằng, năm 2013 là năm bản lề cho việc hoàn thiện hệ thống pháp lý cơ bản về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Thời gian tới, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy trình phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng, tổ chức đánh giá, kiểm tra độ an toàn trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân là hết sức cấp bách. Mặc dù, thời gian còn  dài, nhưng các văn bản liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư, trình tự phê duyệt… cần phải hoàn thiện sớm, làm cơ sở để chủ đầu tư - Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, bộ, ngành liên quan cũng như đối tác nước ngoài tham gia các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và giám sát hoạt động của nhà máy điện hạt nhân sau này.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn tầm quan trọng của công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đối với Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nói riêng và chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam nói chung?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân là một trong những cơ sở để hoàn thiện  Dự án Luật sửa đổi, bổ sung  Luật Năng lượng nguyên tử. Mặc dù Luật Năng lượng Nguyên tử đã được Quốc hội ban hành năm 2008, nhưng do yêu cầu và xu hướng phát triển mới của thế giới, đặc biệt sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), cần phải điều chỉnh, bổ sung một số điều phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Với dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, để Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận được xây dựng và vận hành ổn định, đáp ứng tiêu chí cao nhất là an toàn, an ninh, đòi hỏi phải có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, đề cập đến mọi lĩnh vực liên quan. Trong đó có  trách nhiệm đền bù thiệt hại hạt nhân, ứng phó sự cố điện hạt nhân và những quy định khác liên quan đến thúc đẩy ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, vai trò của các viện nghiên cứu, các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật…

Đây cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng của Chương trình Điện hạt nhân dài hạn tại Việt Nam, đòi hỏi phải huy động nguồn lực thích hợp, có hợp tác quốc tế và quốc gia, đặc biệt phải đề cao vai trò quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vì vậy, nếu không có những quy định phù hợp và chuẩn mực thì việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ không thể bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

PV: Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò như thế nào trong quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho Dự án điện hạt nhân đầu tiên, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Theo đánh giá của IAEA, hiện Việt Nam đang ở giai đoạn 2 trong số 3 giai đoạn của quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, bao gồm công tác chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng nhà máy, nghiên cứu khả thi cho tới khi sẵn sàng mời thầu và khởi công xây dựng nhà máy.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tính đến thời điểm này, Nhà thầu tư vấn liên danh E4-KIEP-EPT (CHLB Nga) đang chuẩn bị hoàn thiện Hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư (FS) Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) đã hoàn thành hồ sơ và gửi cho các cơ quan quản lý phê duyệt Dự án  Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Kết quả khảo sát của đơn vị tư vấn cho thấy, không có sự dịch chuyển lớn về địa điểm đã được lựa chọn trong báo cáo đầu tư, với cả hai nhà máy Ninh Thuận 1 & 2.

Như vậy, Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng điện hạt nhân khi đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết như, hợp tác quốc tế, tài chính, nhân lực, địa điểm, hệ thống văn bản pháp quy, thông tin tuyên truyền và các vấn đề liên quan khác trước khi đưa ra hồ sơ mời thầu. Đây là giai đoạn quan trọng, có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với một nước mới bắt đầu thực hiện chương trình điện hạt nhân như Việt Nam. Vì vậy, phải mất ít nhất  2 năm nữa, Việt Nam mới đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đưa hồ sơ mời thầu cho đối tác. Tiếp đó là khởi công xây dựng và chuẩn bị đưa nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động, đồng nghĩa với việc hoàn thành giai đoạn 3 của quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa không chỉ riêng chủ đầu tư mà còn có các bộ, ngành và cơ quan liên quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong năm 2013:

- Nghị định số 124/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người được cử đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

- Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

- Quyết định số 1504/QĐ-TTg ngày 28/8/2013 về việc ban hành cơ chế, chính sách, bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

- Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020.

 


  • 22/01/2014 04:43
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3012


Gửi nhận xét