10 năm thực thi Luật Điện lực: Từng bước đi vào cuộc sống

Luật Điện lực được Quốc hội phê duyệt, ban hành năm 2004, đến năm 2012, Luật được sửa đổi bổ sung một số điều cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Để hiểu rõ hơn về vai trò của Luật, ông Nguyễn Minh Khoa - Trưởng ban Pháp chế EVN đã trao đổi với evn.com.vm.

ông Nguyễn Minh Khoa - Trưởng ban Pháp chế EVN

Phóng viên (PV): 10 năm qua, Luật Điện lực đã tác động như thế nào đến hoạt động của EVN, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Khoa: Trước hết cần khẳng định rằng, Luật Điện lực ra đời năm 2004 và hệ thống các văn bản dưới luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hoạt động điện lực. Trên cơ sở đó, khẳng định được vai trò của điện lực trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
EVN và các đơn vị thành viên hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực điện lực đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điện lực. Các quy định của Luật trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, tiết kiệm điện, mua bán điện… đã trở thành cơ sở pháp lý, định hướng hoạt động cho các đơn vị. Thực tế đã chứng minh, trong lĩnh vực đầu tư phát điện đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia.

Tính đến cuối năm 2014, tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện Việt Nam là 34.058 MW, trong đó, EVN giữ vai trò chủ đạo với 20.265 MW. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, các công ty cổ phần, công ty TNHH MTV, doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT, IPP… Sự tham gia của các thành phần này đã giải quyết được phần nào khó khăn về vốn đầu tư các công trình điện của EVN.

Hoạt động mua bán điện của EVN không còn giới hạn ở phạm vi trong nước mà còn có sự trao đổi, mua bán điện với các nước trong khu vực như Trung Quốc (cấp điện áp 220/110 kV), Campuchia (cấp điện áp 220 kV, trung thế), Lào (trung thế). Một số doanh nghiệp của Việt Nam đã đầu tư xây dựng dự án nguồn điện ở nước ngoài để sản xuất bán điện về Việt Nam (dự án Xekaman3, Xekaman 1…).

Căn cứ vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng UBND các cấp đã phối hợp với chủ đầu tư công trình nguồn, lưới điện bố trí đủ quỹ đất và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư… tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công trình điện.

PV: Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật Điện lực 2004 đã bộc lộ một số điểm hạn chế, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Khoa: Đúng vậy! Bên cạnh những tác động tích cực, Luật Điện lực 2004 được ban hành trong thời điểm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên sau một thời gian, một số quy định của Luật Điện lực cần làm rõ hơn, đồng thời cần bổ sung thêm một số quy định mới để phù hợp với mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành Điện. Vì vậy, ngày 20/11/2012 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động điện lực nói chung và EVN nói riêng.
PV: Điểm nào của Luật (sửa đổi, bổ sung) theo ông  là tiến bộ nhất?
Ông Nguyễn Minh Khoa: Theo quan điểm của tôi, đó là nội dung sửa đổi, bổ sung về giá bán điện trong thị trường điện lực với mục tiêu “Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực” (khoản 1a, Điều 29). Quy định này vừa đảm bảo luật hóa nguyên tắc giá bán điện được vận hành theo cơ chế thị trường, vừa giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt. Đồng thời, thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng, xóa dần nguyên tắc bù chéo, tách bạch hoạt động công ích với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Thực hiện chính sách phát triển điện lực, EVN đã đưa điện đến với mọi miền của đất nước - Ảnh: Phan Trang

PV: Điều này đã tạo điều kiện như thế nào cho hoạt động của EVN, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Khoa: Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực được ban hành và có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã từng bước điều chỉnh cơ chế, chính sách giá điện một cách hợp lý theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Hiện nay, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam đang dần được hình thành với từng cấp độ tương ứng với từng thời kỳ. Việc điều chỉnh giá điện theo thị trường không chỉ phù hợp với sự biến động của các yếu tố đầu vào, thị trường nguyên, nhiên liệu và điều kiện thủy văn mà còn thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các công trình điện.

PV: Để tạo điều kiện cho đầu tư, sản xuất và kinh doanh điện năng của EVN, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Minh Khoa: Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã quy định một số tiêu chí để đàm phán xác định giá bán điện của các loại nhà máy điện, làm tiền đề cho việc nghiên cứu xây dựng khung giá phát điện. Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc hình thành thị trường điện cạnh tranh, đề nghị Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ và sớm ban hành chính thức khung giá phát điện trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nguồn điện.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tiếp tục ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực quy định Quy hoạch phát triển điện lực, sử dụng đất cho các công trình điện lực, đặc biệt là các công trình trọng điểm, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án điện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Luật Điện lực năm 2004:

- Được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3/12/2004.
- Gồm 10 chương, 70 điều
- Hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2005.

Luật Điện lực năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2012:

- Được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012
- Gồm 10 chương, 70 điều
- Sửa đổi, bổ sung các điều:
+ Điều 3: Giải thích từ ngữ
+ Điều 4: Chính sách phát triển điện lực
+ Điều 8: Quy hoạch phát triển điện lực
+ Điều 9: Lập, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực
+ Điều 10: Kinh phí cho công tác quy hoạch
+ Điều 11: Đầu tư phát triển điện lực
+ Điều 13: Chính sách và biện pháp khuyến khích, thúc đẩy tiết kiệm điện
+ Điều 16: Tiết kiệm điện trong sử dụng điện
+ Điều 18: Hình thành và phát triển thị trường điện lực
+ Điều 23, 24, 25, 28, 29, 30, 31: Thị trường điện lực
+ Điều 32, 38: Giấy phép hoạt động điện lực
+ Điều 39: Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện
+ Điều 44: Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ điện
+ Điều 49: Trách nhiệm phối hợp thực hiện khi xây dựng, cải tạo, kết thúc sử dụng công trình điện lực và các công trình khác
+ Điều 54: An toàn trong phát điện
+ Điều 59: Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
+ Điều 62: Giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo
+ Điều 66: Điều tiết hoạt động điện lực
- Hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.

 


  • 10/06/2015 02:44
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4680


Gửi nhận xét