Đưa điện về miền Nam: Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

Để đạt được mục tiêu đóng điện các đường dây 500kV đưa điện về miền Nam trong năm nay theo chỉ đạo của Chính phủ, nhất là đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, vấn đề vướng nhất hiện nay chính là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cần sớm được tháo gỡ.

Dân đòi đền bù giá cao

Đoạn tuyến đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có chiều dài gần 75,4 km đi qua các huyện Ea Sup, Cư Mgar và Buôn Đôn. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) cho biết, hiện nay toàn bộ 164 vị trí móng trụ đã được địa phương bàn giao mặt bằng và tổ chức chi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân. Trong đó, vị trí 2603 của hộ ông Hoàng Đức Chính ở huyện Buôn Đôn chỉ cho thi công 3 chân đế và yêu cầu chi trả thêm tiền bồi thường.

Còn đoạn tuyến đường dây này trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 236 vị trí móng cột với chiều dài gần 116 km, đi qua các huyện Cư Jut, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Song, Tuy Đức và Đắk Rlấp. Hiện tại còn 6 vị trí chưa bàn giao cho nhà thầu; trong đó, huyện Cư Jut có 5 vị trí các hộ dân không chấp nhận đơn giá đền bù đất, cây trồng. Đơn cử như vị trí 3005 thuộc phần đất trồng cây cao su 7 năm tuổi của hộ ông Bùi Ngọc Tuất, ở thôn 3 xã Nam Rang. Gia đình ông này đòi đền bù 1 triệu đồng/cây, trong khi đơn giá đền bù của tỉnh chỉ là 230.000 đồng/cây.

Ông Phạm Xuân Việt, phó Phòng Đền bù của AMT cho biết: Mặc dù vị trí móng này được cắm từ năm 2010, AMT và Hội đồng bồi thường đã vận động chi trả 3 lần nhưng đến nay hộ dân này vẫn chưa bàn giao mặt bằng để thi công. Tại huyện Krông Nô còn 2 vị trí hộ dân yêu cầu nâng giá đền bù đất. Giá đất thu hồi ở đây là 17.000 đồng/m2 hạng 2 nhưng dân đòi 50.000 đồng/m2. Toàn bộ hành lang tuyến đường dây, dân cũng đòi đền bù 1 triệu đồng/cây.

Trạm biến áp 500 kV Sông Mây (Đồng Nai) đang được EVN NPT triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành tháng 4/2013. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Ông Đỗ Mạnh Hùng, phó Trưởng Ban gói thầu số 7 (Công ty CP Lắp máy và xây dựng) cũng cho biết trong tổng số 58 vị trí móng thuộc đơn vị thi công, còn 2 vị trí vướng cây cà phê, 1 vị trí vướng cây cao su và 1 vị trí vướng đất không được đền bù. Nếu các huyện không ra quyết định cưỡng chế thu hồi sớm thì đơn vị khó có thể hoàn thành tiến độ thi công đã cam kết với chủ đầu tư.

Địa bàn Gia Lai cũng chỉ còn 1 vị trí móng tại xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pảh chưa bàn giao mặt bằng thi công do hộ dân không chấp nhận đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất, cây trồng mặc dù AMT và Hội đồng bồi thường đã vận động chi trả tiền 3 lần. Phần hành lang tuyến qua tỉnh này hiện đang kê kiểm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng đại đa số các hộ dân đều không chấp nhận đơn giá bồi thường, hỗ trợ của huyện.

Ông Trần Thanh Tú, phó Giám đốc chi nhánh Sông Đà 11.5 Thăng Long, đơn vị thi công gói thầu 11 trên địa bàn huyện Bù Đăng (Bình Phước) cho hay hiện đơn vị đã thi công xong phần móng 54 vị trí, còn 6 vị trí đang làm công tác đền bù. Các vị trí này thuộc hai xã Bình Minh và Minh Hưng đều vướng giá đền bù trên rừng cao su, điều, cà phê và tiêu. Theo quy định của tỉnh, cây cao su 10 năm tuổi giá đền bù là 225.000 đồng/cây nhưng người dân lại đòi 1,2 triệu đồng/cây. Cây tiêu cũng vậy, dân đòi trên 600.000 đồng/cây nhưng tỉnh chỉ áp giá đền bù 225.000 đồng/cây.

AMT đã liên tục gửi văn bản tới các địa phương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB nhưng đến thời điểm đầu tháng 4 này vẫn chưa nhận được sự phản hồi. Theo tiến độ, tháng 12 năm nay, đường dây này sẽ đóng điện, vì vậy trong tháng 4 này phải thi công xong phần móng còn lại. Tuy nhiên, đến gần giữa tháng 4, người dân vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng, kế hoạch đóng điện toàn bộ tuyến đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông như trên theo chỉ đạo của Chính phủ là khó thực hiện.

“Nhưng quan trọng và khó khăn nhất vẫn là giải phóng hành lang tuyến khi kéo dây. Do đó, UBND các tỉnh cần chỉ đạo sát sao các huyện giải quyết tập trung, vừa GPMB đào đóng móng cột, vừa GPMB luôn hành lang tuyến để kéo dây thì mới đáp ứng được tiến độ trên”, ông Việt nói.

Đối với đường dây 500kV Sông Mây - Tân Định, ông Nguyễn Hải Đăng, phó Phòng đền bù Ban QLDA các công trình điện miền Nam (AMN) cho rằng dự án đã triển khai từ tháng 8/2009 đến nay nhưng chưa kéo được dây do vướng GPMB. Trạm biến áp 500kV Sông Mây cũng hoàn tất chuẩn bị đóng điện nhưng hiện nay chưa có đường dây nào kết nối. Các vị trí 0001, sát với trạm biến áp 500 Sông Mây và vị trí 0002 của đường dây này đang vướng đền bù chưa giải quyết được. Gia đình ông Hoàng Văn Vượng ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai đòi đền bù 2 - 3 nền đất (100 triệu đồng/nền đất). Huyện Vĩnh Cửu cũng đang vướng 1 hộ dân đòi hỗ trợ 60% của giá đất thu hồi. Toàn tỉnh Đồng Nai còn 13 hộ chưa nhận tiền đền bù do vướng trồng cây bạch đàn, cao su, chuối. Bình Dương còn 52 hộ chưa nhận tiền đền bù do vướng trồng cây cao su. Trong khi đó, theo tiến độ, đường dây này sẽ đóng điện trong tháng 5 tới.

Phần hành lang tuyến của đường dây 500kV Phú Mỹ - Sông Mây đi qua huyện Thống Nhất (Đồng Nai), các hộ Trần Minh Thái, Lê Văn Dụng và Hoàng Thị Mai yêu cầu bồi thường gấp 5 lần đơn giá nhà nước quy định. Ngoài ra, còn có 46 hộ bị ảnh hưởng không nhận tiền bồi thường với lý do đơn giá thấp.

Về đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây, theo ông Đăng, hiện huyện Hàm Thuận Bắc đã hoàn thành đền bù cả phần móng cột và hành lang tuyến; huyện Bắc Bình đang làm phương án đền bù, cuối tháng 4 này sẽ hoàn tất phần đúc móng và hành lang. Ông Đăng cũng cho biết ở vị trí 2302 (huyện Hàm Tân), hộ ông Nguyễn Tứ yêu cầu đền bù 200 triệu đồng mới bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Địa phương vận động nhiều lần nhưng hộ này bất hợp tác, đang chuẩn bị các thủ tục để cưỡng chế.

Địa phương phải vào cuộc

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến dự án phải tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư trong công tác đền bù, GPMB, đảm bảo đủ quỹ đất để thực hiện các dự án. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong việc sớm hoàn thành các thủ tục về thỏa thuận địa điểm, cấp phép xây dựng, phê duyệt đơn giá đền bù GPMB, kiên quyết không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận.

Theo ông Nguyễn Hải Đăng, phó Phòng đền bù AMN, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là địa phương và ngành điện cùng vận động người dân GPMB chứ pháp luật chưa có chính sách hỗ trợ ngành điện, nhất là sau khi có Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có hiệu lực thi hành kể từ 1/10/2009 . Ngoài chính sách chung, bản thân địa phương cũng muốn ngành điện tự thỏa thuận với người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản yêu cầu UBND hai huyện Bến Cát và Phú Giáo đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ; đồng thời phối hợp với AMT vận động các hộ dân nhận tiền và chi trả kịp thời theo phương án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Tân Uyên khẩn trương phối hợp cùng AMN thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp còn tồn đọng theo phương án đã phê duyệt của tỉnh.

Theo phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam, UBND các huyện, thành phố cần xem xét lại các khiếu nại, kiến nghị của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nếu là hợp lý, chính đáng thì sớm có phương án giải quyết dứt điểm. Trường hợp đã vận dụng đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định và giải quyết hết các vướng mắc nhưng các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân vẫn cố tình kéo dài thời gian, không chịu bàn giao mặt bằng thì tiến hành củng cố hồ sơ pháp lý, triển khai các biện pháp bảo vệ thi công theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình điện vào khai thác, phục vụ sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Bến Cát (Bình Dương), huyện Chơn Thành (Bình Phước) cũng có văn bản vận động và tổ chức họp nhiều lần với dân nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án đền bù. Chưa có huyện nào ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Tính cấp bách của các dự án đường dây 500kV đưa điện về miền Nam trong giai đoạn hiện nay đã thấy rõ. Tuy nhiên, nếu địa phương không trực tiếp và tích cực phối hợp với các Ban Quản lý dự án, sớm tháo gỡ nút thắt trong GPMB thì e rằng, chậm tiến độ ngày nào, là ngày ấy hệ thống truyền tải điện quốc gia lại phải “oằn mình”, gánh tải trọng quá lớn là đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng kinh tế các tỉnh phía Nam trong năm nay và cho những năm tới. Nguy hiểm hơn, hệ thống điện quốc gia còn có nguy cơ rã lưới trầm trọng khi các đường dây cao áp 500kV Bắc Nam hiện hữu luôn trong tình trạng vận hành quá tải.


  • 17/04/2013 10:13
  • Theo Tin tức online
  • 7303


Gửi nhận xét